11/01/2011

Mua thẻ giảm giá như… bị lừa!


Những phàn nàn của khách hàng về sử dụng Groupon ngày càng nhiều. Nếu mục tiêu của bạn là thu hút khách hàng mới, bạn đã hoàn toàn thất bại khi cung cấp dịch vụ chất lượng kém, đồng thời uy tín của nhà hàng bấy lâu bạn xây dựng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ngày càng nhiều khách hàng thất vọng khi mua thẻ giảm giá hàng hóa, dịch vụ thông qua website của doanh nghiệp trung gian. Còn doanh nghiệp đã rất khôn khéo khi kinh doanh loại hình mà người tiêu dùng (NTD) rất khó khiếu nại, khởi kiện.


Doanh nghiệp bán hàng trung gian qua website thành công nhờ đánh trúng tâm lý hám rẻ và thực tế, khá đông khách hàng cũng được (hoặc tưởng được) hưởng lợi thực sự. Ma lực giá rẻ mạnh đến mức, không ít người sau khi thề thốt “cạch mặt” vẫn mua thẻ giảm giá với tinh thần cảnh giác cao độ. Còn nếu bị “sa lưới - sập bẫy” tiếp thì cũng tặc lưỡi coi như gặp xúi quẩy!


Tiền nào của nấy

Giảm giá thì ngồi đây!
Bà Nguyễn Tuyết Lan (ngách 75, ngõ 35 Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội, trước khi đến đã đặt bàn) ấm ức kể việc bị nhân viên nhà hàng thuộc khách sạn Crown Plaza hướng dẫn: “Khách của nhommua thì ngồi đây” - một bàn sát cửa ra vào và quầy thu ngân, nhiều người qua lại ồn ào! Bà này vừa ăn vừa… thề “không bao giờ quay lại”, vì suốt bữa vẫn thấy trống nhiều bàn ở vị trí yên tĩnh.

Truy cập nhiều website bán hàng trung gian, ban đầu khách hàng nào cũng tin sái cổ vì thông tin đại ý: “Chúng tôi đặt mua sớm lượng lớn dịch vụ, hàng hóa vào một thời điểm nên được nhà cung cấp giảm giá tới 80 - 90%”!

Chính vì ham rẻ, hè vừa rồi, vợ chồng chị Nguyễn Thanh Mai (73 ngõ 16 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội) lỡ mời bố mẹ chồng đi “ăn lẩu dê - gặp thịt chó”!

Thấy trên nhommua.com rao bán thẻ ăn ở một quán chuyên thịt dê trên đường Nguyễn Khánh Toàn với giá gốc 150.000 đồng/thẻ, giảm mạnh còn 50.000 đồng, chị Mai hí hửng mua ngay 3 thẻ (mức tối đa mỗi lần thanh toán): “Nhà hàng quy định phải gọi điện thoại đặt bàn trước, khiến tôi tin tưởng họ kinh doanh chuyên nghiệp lắm”! Ai ngờ, ngồi vào bàn mới biết, món dê tái chanh, dê áp chảo giá 85.000 - 100.000 đồng/đĩa bé xíu, bao gồm lớp thịt ngụy trang trên cùng, dưới độn toàn rau, gừng sả lổn nhổn khiến 4 người ái ngại nhìn nhau không dám gắp.

Bực hơn, khách phản ánh cồn ít quá, bếp cháy lom dom không sôi nổi nồi lẩu dê nhừ (250.000 đồng lèo tèo thịt) thì bị nhân viên gắt: “Lúc nào cháy hết khắc thêm”! Khách gọi giấy ăn, vài chai bia, 2 lon nước ngọt vừa phải chờ lâu, mặt mũi nhân viên lại sưng sỉa.

Cuối cùng, bữa ăn tốn gần 800.000 đồng mà 4 cái bụng vẫn đói meo. Chị Mai bức xúc: “Mua dịch vụ kiểu này, khách hàng rất dễ bị lừa vì chẳng thể nào đoán trước chất lượng thế nào. Có phải chúng tôi mua thẻ giảm giá nên nhân viên nhà hàng đối xử vô văn hóa như vậy? Cũng chẳng biết nhommua khảo sát chất lượng dịch vụ thế nào trước khi rao bán?”, 2 vợ chồng bực tức.

Tâng giá gốc “ảo” dụ khách hám rẻ

Nếu khách hàng chịu khó tìm hiểu kỹ hoặc đôi khi vô tình, sẽ nhận thấy tiểu xảo phổ biến của web trung gian: Tạo một mức giá gốc cao đến vô lý, rồi công bố tỷ lệ giảm giá vô cùng lớn nhằm phỉnh phờ khách ít kinh nghiệm.

Chị Lưu Thị Hoài Linh (khu tập thể Công ty Xây dựng Thủy lợi Hà Tây, đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, Hà Nội) tuyên bố “như bị lừa” sau khi mua thẻ giảm giá ăn buffet tối tại khách sạn Crown Plaza từ nhommua có giá gốc 520.000 đồng/thẻ, giảm 50% còn 260.000 đồng. Sau khi đến ăn, khách mới biết mua trực tiếp tại đây giá trọn gói chỉ 405.000 đồng!

“Đau đớn” hơn, cuối hè vừa rồi, bà H.P (khu đô thị An Phú, An Khánh, quận 2, TP HCM) hí hửng giành nhiệm vụ đặt phòng ở một khu du lịch tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho một nhóm gia đình bạn bè. Bà này đặt qua một web trung gian khá nổi tiếng, công bố giá gốc hơn 4,5 triệu đồng/phòng đôi/đêm, giảm 63% còn 1,69 triệu đồng; mỗi phòng còn tặng thêm 1 bữa tối cho 2 người và 2 vé tắm bùn khoáng. Khi đến khu nghỉ, do đoàn phát sinh thêm nhiều trẻ em nên bà P thuê thêm 1 phòng cùng hạng mới biết giá chỉ 1,09 triệu đồng/đêm. Lễ tân giải thích, nếu khách đặt phòng trực tiếp cộng với vé tắm bùn, 1 bữa tối cùng loại được web tặng thêm, giá tổng cộng cũng không quá 1,6 triệu đồng/đêm. Chưa hết, 10 phòng đoàn thuê không cái nào đẹp bằng ảnh chụp trên web kia!

“Sa lưới” đành nghiến răng mua

Đối với sản phẩm là hàng hóa, không ít NTD mua thẻ giảm giá bị rơi vào “bẫy” muôn hình vạn trạng của web trung gian lẫn cơ sở kinh doanh, đành nghiến răng mua cho hết tiền.

Giữa tháng 8, nhommua giới thiệu 1 cửa hàng bán nhiều sản phẩm dành cho mẹ và bé, chị Nguyễn Thanh Mai liền mua ngay thẻ giảm giá 50% để chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời. Đến nơi, bà mẹ trẻ thất vọng khi thấy cửa hàng lèo tèo hàng hóa nhưng đành cố mua bằng hết số tiền trong thẻ, vì hết hạn sử dụng đương nhiên mất oan tiền.

Em gái chị Lưu Thị Hoài Linh kể, mới đây đi cùng cô bạn mua thẻ giảm giá 50% trên nhommua tại một cửa hàng thời trang ít tên tuổi trên phố Hàm Tử Quan (quận Hoàn Kiếm). Đến nơi, cả 2 ngạc nhiên vì bên ngoài cửa hàng cũng treo băng-rôn giảm giá 50%, vậy đâu cần mua qua web trung gian mới được giảm chừng đó! Bất ngờ hơn nữa, nhiều khách trong cửa hàng (mua thẻ giảm giá hoặc người đi đường thấy giảm mạnh nên ghé vào) đều nhận xét giá niêm yết quá đắt: Một bộ vét nữ tới 1,4 triệu đồng, giảm 50% là phù hợp với mặt bằng chung chứ không hề khuyến mãi tí gì. Chưa hết, mua xong bộ vét, cô bạn đành miễn cưỡng mua thêm chiếc váy cho hết số tiền trong thẻ.

Sau nhiều lần mua thẻ giảm giá ăn uống trên muachung.com may ít rủi nhiều, chị Nguyễn Thị Hương (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã “vĩnh biệt” tất cả web trung gian vì mua trực tiếp với nhà hàng chẳng nơm nớp lo bị đối xử tệ hại, cắt giảm khẩu phần...

Rất khó khiếu kiện

Không có trách nhiệm sau khi bán thẻ
Trên nhommua.com, Công ty Nhóm Mua (TP HCM) thông cáo: “Mục tiêu của Nhóm Mua là mang lại những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, giảm giá lên đến 90%... Chúng tôi chỉ làm việc với các doanh nghiệp uy tín để bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà chúng tôi cung cấp là tốt nhất với mức giá thật rẻ, tiết kiệm tối đa cho túi tiền NTD”.
Giám đốc David Trần cho rằng, công ty chỉ là kênh quảng cáo đem khách hàng đến cho đối tác nên không có trách nhiệm sau khi bán được thẻ giảm giá. Song, ông này cũng khẳng định “sẽ hoàn tiền cho NTD khiếu nại nếu phản ánh đúng”.

Mặc dù không ít phen tức nghẹn cổ, chị Nguyễn Thanh Mai vẫn khẳng định tiếp tục mua thẻ xem phim, quần áo ở những cửa hàng có thương hiệu, nhà hàng nổi tiếng qua web trung gian với mức giảm giá 50% trở xuống. Nếu gặp rủi ro, bức xúc lắm thì gửi vài dòng thư điện tử cho web trung gian xả giận là cùng.

Nhiều NTD cho biết cảm thấy như bị lừa do không được khuyến mãi mạnh như web quảng cáo. Rẻ được một chút thì bị phân biệt đối xử hoặc bớt xén dịch vụ, trở thành “con tin” (trót mua thẻ giảm giá buộc phải mua hàng - dịch vụ vì hết hạn sử dụng thẻ sẽ mất tiền oan)… chứ ít bị “chặt chém” về giá! Vì thế, tất cả đành “tặc lưỡi bỏ qua - ta rút kinh nghiệm”, tránh đôi co rắc rối!

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực từ đầu tháng 7/2011 quy định: Khi yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ quyền lợi, NTD có nghĩa vụ cung cấp thông tin, bằng chứng liên quan đến hành vi vi phạm của phía kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nếu khởi kiện ra tòa dân sự, NTD có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình…

Chị Lưu Thị Hoài Linh cho biết, chẳng ai đi ăn uống, mua sắm lại lăm lăm máy ảnh, máy quay phim, ghi âm… rình rập nhà cung cấp có sai sót gì để lập bằng chứng! Hơn nữa, không thấy có quy định thế nào là đĩa ít thịt quá mức, thực khách chờ bao lâu bị coi là phục vụ chậm, mặt nhân viên sưng sỉa đến đâu là không tôn trọng khách, giá quần áo cao hơn mặt bằng thị trường bao nhiêu tiền là quá đắt… để làm cơ sở khiếu nại.
“Thu thập bằng chứng vô cùng khó đối với lĩnh vực dịch vụ. Dường như cơ quan lập pháp không lường hết được thực tế cuộc sống rất sinh động”, luật sư Nguyễn Đăng Quang (Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang & Cộng sự, Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét. Chưa nói, trong trường hợp NTD tố cáo về hành vi lừa đảo, công tác thu thập chứng cứ chứng minh nhà cung cấp và web trung gian thông đồng nhằm lừa dối khách cũng cực kỳ khó. Mua rẻ, bán đắt trong giao dịch dân sự không thể coi là lừa đảo…

“Trong khi chờ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi NTD kèm theo chế tài cụ thể, NTD đừng quá tin vào quảng cáo giá rẻ. Nếu có điều kiện, hãy đến tận nơi cung cấp dịch vụ - hàng hóa xác minh rồi hãy mua thẻ”, luật sư Quang tư vấn.

Còn luật sư Ngô Trung Kiên (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Long, Đoàn Luật sư Hà Giang) nhấn mạnh: “Giải quyết tranh chấp trong giao dịch thương mại điện tử rất khó vì các bên thường mua bán không có hợp đồng, đặc biệt là khi NTD cứ… im lặng”!

Thu Trang - Thẩm Phương

No comments:

Post a Comment