4/27/2012

Ngủ nướng và ăn một bữa sáng lười

Ăn một bữa sáng ngon lành kéo dài ra đến tận trưa trong một ngày nhàn hạ như thể là một món quà người bận rộn tặng cho bản thân sau một tuần tập trung cho công việc.

Ngủ nướng vào những ngày cuối tuần đôi khi mang lại cảm giác hạnh phúc giản đơn. Đó là khi con người của công việc cuống cuồng bật dậy theo thói quen của những ngày trong tuần, nhìn đồng hồ, sực nhớ ra hôm nay là thứ bảy rồi lại thả mình xuống chăn êm nệm ấm. Đó cũng có thể là một sáng chủ nhật chiêu đãi bản thân sau một tối thứ bảy vui trễ cùng bạn bè, hưởng thụ không khí trong lành của thành phố buổi sáng sớm, thản nhiên nghe một bản nhạc hay, xem một chương trình TV mà cả tuần rồi không xem được và nhìn trời sáng dần, nắng dần qua khung cửa sổ.

 

Ăn một bữa sáng ngon lành kéo dài ra đến tận trưa trong một ngày nhàn hạ như thể là một món quà người bận rộn tặng cho bản thân sau một tuần tập trung cho công việc. Vì thế mà brunch (breakfast và lunch) đã trở thành một xu hướng của những người trẻ trong nhiều thành phố bận rộn.

Thói quen ăn brunch đã xuất hiện ở Sài Gòn từ lâu, từ khi mọi người có thói quen thức dậy muộn và sau đó vẫn thư thả chạy ra quán café cóc ven đường, ngồi với một ly café sữa đá và gọi đĩa cơm tấm bì sườn hay ổ bánh mì của hàng bên cạnh, chậm chậm ăn, nhìn dòng người ngược xuôi trước mặt, nhìn con đường đầy cây xanh và sau đó ngồi đọc báo tới quá giờ trưa.

Chẳng rõ từ bao giờ, những nhà hàng 5 sao, quán café trong thành phố của những ngày cuối tuần đã có thực đơn brunch cho những bữa sáng trễ này. Ở nhiều nơi khác trên thế giới, brunch đã được xem như một bữa trong ngày cho những người thức khuya dậy muộn.

Người ta có thể hẹn nhau ăn brunch như chúng ta hẹn nhau ăn sáng, ăn tối. Ở New York, họ có cả những loại cocktail để dùng riêng trong bữa ăn này. Đó có thể là Blood Mary với nước ép cà chua, nước chanh, sốt Tabasco hay Bellini với nguyên liệu chính là quả đào tươi nghiền nát. Ở những xứ nhiệt đới, món thức uống đó có thể là loại nước chanh dây pha ít rượu vodka, vừa đủ chất cồn để làm tăng hương vị các món ăn kèm nhưng không thể làm bạn say. Với một số người, brunch không đơn giản chỉ là một bữa ăn mà đã trở thành một khoảng thời gian riêng để họ tận hưởng những ngày cuối tuần một cách trọn vẹn bên bạn bè và những người thân.

Ở nhiều quán café kiểu Âu, Mỹ ở trung tâm Sài Gòn hay những nhà hàng Pháp, bạn sẽ bắt đầu bữa ăn này với món khai vị là các loại bánh mì nướng vàng giòn, ăn kèm với bơ mềm và mứt, cũng có thể là các loại phô-mai dùng kèm với nho chín mọng hoặc táo.

Tiếp theo xà lách được mang ra một cách tiết kiệm để đảm bảo bạn vẫn có rau trong bữa sáng, nhưng vẫn còn bụng để ăn món chính. Và vị giác của bạn sẽ mê mệt các món steak hay thịt gà viên bỏ lò hoặc món mì phủ đầy sốt kem.

Thực đơn ăn brunch còn phong phú với các món tráng miệng, với đồ ngọt, nước hoa quả ép, cà phê hay trà. Thỉnh thoảng những món ăn phụ này lại tạo nên sự khác biệt cho từng quán. Có thể nói, nếu đi một vòng thử nghiệm quanh các nhà hàng, bạn sẽ thấy thực đơn brunch của họ đều sáng tạo và mới mẻ, mỗi nơi là mỗi cung bậc đa dạng của bản nhạc ẩm thực. Nếu bạn nghĩ hải sản tươi sống không phải là món dành cho buổi sáng thì bạn sẽ ngạc nhiên vì hào sống hoặc những món sushi cũng sẽ được dọn lên tại các buổi brunch theo kiểu buffet ở các nhà hàng năm sao.

Có những nhà hàng Tây trong thành phố đã đưa sự sáng tạo của mình lên đỉnh điểm bằng cách kết hợp chocolate vào với thực đơn brunch. Có quán cà phê khác nằm ở trung tâm thành phố lại có những món ăn đậm chất New York với nước uống là Coke hay soda bỏ thêm vài viên kem và được phục vụ trong những chiếc ly thật lớn. Thực khách của những bữa brunch sẽ không vội vàng kết thúc bữa ăn mà họ sẽ ngồi tán gẫu hàng giờ đồng hồ trong khi thưởng thức những món ăn của một ngày ngủ dậy muộn. Với những gia đình tại thành phố náo nhiệt, bữa ăn này còn là thời điểm thích hợp để họ có thể dẫn theo bọn trẻ như một dịp đi chơi cuối tuần.

Một bữa ăn sáng cộng luôn bữa trưa ngon, lười biếng là một cách để bạn chiều chuộng bản thân và tận hưởng cuộc sống những ngày cuối tuần. Không chỉ vậy, brunch còn là khoảng thời gian cho chúng ta sống chậm lại để những ngày cuối tuần quý giá như dài ra thêm. Hãy nghĩ tại sao bạn lại phải vội vàng ăn sáng, café vào những ngày cuối tuần trong khi bạn có thể thư thả thưởng thức chúng. Hãy thử brunch, nếu bạn chưa thử. Và hãy tận hưởng, nếu bạn đang biết cách làm cho mỗi ngày cuối tuần của mình thêm đẹp.

Brunch là một bữa ăn thay thế cho bữa ăn sáng và bữa ăn trưa, thường bắt đầu vào khoảng 10h30 sáng và kết thúc khoảng 14h chiều.

Brunch được viết tắt từ 2 từ breakfast và lunch, từ này được dùng đầu tiên ở Anh năm 1895 trong tác phẩm "Brunch: A Plea" của nhà văn Guy Beringer và được đăng tên tờ Hunter's Weekly. Nội dung chính của tác phẩm nói về thói quen ăn giữa trưa của các phóng viên báo chí vào những ngày cuối tuần, mô tả về thực đơn chính trong các bữa ăn này. Ngoài ra, bữa ăn này còn mang lại cho họ một khoảng thời gian ý nghĩa bên bạn bè và đồng nghiệp, mọi người đều cảm thấy thật vui vẻ, thư giãn, quét sạch hết những lo lắng, áp lực và buồn bực trong suốt một tuần làm việc căng thẳng.

Anh Nguyễn

4/24/2012

McDonald thắng lớn tại các thị trường ngoại

Hãng đồ ăn nhanh nổi tiếng McDonalds vừa tuyên bố lợi nhuận quý I cao hơn dự đoán nhờ giá cả hấp dẫn cũng như chiến thuật chuyên biệt hoá khẩu vị các món ăn mới phù hợp với từng thị trường riêng biệt.

 

McDonalds vừa ra mắt món hamburger theo phong cách Paris tại các nhà hàng của mình ở Pháp với tên gọi McBaguette, một cái tên mang đậm âm hưởng Pháp. Đây là một phần trong chiến dịch nhằm thỏa mãn tối đa thị hiếu của khách hàng tại từng thị trường riêng biệt của McDonalds. Và chiến thuật kinh doanh này đã được đền bù xứng đáng, đặc biệt tại thị trường châu Âu.

R.J. Hottovy, Giám đốc nghiên cứu thị trường, Morningstar nhận định: “Những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và đối phó khủng hoảng đang bắt đầu có kết quả tại châu Âu, nhưng tôi nghĩ McDonalds đã có một kết quả kinh doanh đáng khâm phục nhờ các chiến thuật bài bản về chi phí cũng như quảng cáo. Tôi cho rằng, McDonalds chứng tỏ họ có thể phát triển mạnh mẽ trong bất kì một môi trường vĩ mô nào".

McDonalds vừa thông báo, lợi nhuận quý I cao hơn dự kiến nhờ sự hấp dẫn về giá. Việc cải thiện cũng như mở rộng thời gian dịch vụ tại các nhà hàng của hãng tại Mỹ và châu Âu, những thị trường mà McDonalds đang thắng thế so với các đối thủ Burger King hay Wendys.

"McDonalds đang thắng thế tại hầu hết các thị trường ngoại trừ Trung Quốc, nơi hãng chỉ đứng ở vị trí thứ hai sau hãng YUM, nhưng tôi tin rằng, trong tương lai McDonalds sẽ có những chiến dịch rõ ràng", R.J. Hottovy khẳng định.

Một sự thay đổi lớn trong mùa hè năm nay là CEO Jim Skinner của hãng sẽ về hưu. Kế vị ông là Don Thompson, người được cho là đứng đằng sau những thành công rực rỡ về chiến lược sản phẩm của hãng gần đây.

McDonalds dự đoán, tăng trưởng doanh số của hãng trên toàn cầu sẽ đạt mức 4% trong tháng 4. Trong khi đó, các chuyên gia kì vọng, CEO mới của McDonald có thể sẽ tạo ra một kì tích.

Thái Dũng - VTV

4/22/2012

Cơm nghĩa tình

Nhà hàng Đèn Lồng trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) đã mở một “bếp ăn từ thiện”. Thứ hai hằng tuần, những bạn trẻ làm việc tại đây lại tất bật chuẩn bị bữa trưa miễn phí cho người nghèo.

Phát cơm miễn phí cho người lao động nghèo vào trưa thứ hai hằng tuần - Ảnh: Nguyễn Chung
 
Trưa đầu tuần, rất đông người bán vé số dạo, chạy xe ôm, xích lô, thu mua ve chai có mặt ở nhà hàng Đèn Lồng để thưởng thức bữa cơm nghĩa tình. Gọi là “cơm nghĩa tình” vì nhà hàng không bán mà chỉ phát miễn phí. Ở đây, khoảng cách giữa người cho và người nhận bị thu hẹp bằng những nụ cười ấm áp của sự sẻ chia. Hơn 11 giờ, thấy có bóng người ngồi trên xe lăn trước nhà hàng, một nhân viên tay cầm hộp cơm chạy ra ngoài để trao. Người bán vé số nâng niu hộp cơm vừa nhận, nở nụ cười hồn hậu thay cho lời cảm ơn. “Chỉ từng ấy thôi mà tụi mình đã thấy trong lòng ấm áp rồi. Một suất cơm không phải lớn, nhưng nó đem lại những cảm xúc vô cùng lạ”, Nguyễn Phương Nam (26 tuổi) - nhân viên nhà hàng Đèn Lồng nói.

Chủ nhà hàng này là anh Robert Costabile (người Úc). Năm 2005, Robert đến Nha Trang du lịch và ghé thăm các trại trẻ mồ côi nơi đây. Thấu hiểu những thiệt thòi của các em, Robert nảy ra ý tưởng mở nhà hàng Đèn Lồng để tạo nguồn kinh phí làm từ thiện. Sau khi nhà hàng đã hoạt động ổn định, cùng với việc thường xuyên tổ chức thăm hỏi, trao quà cho những em nhỏ mồ côi, một “bếp ăn từ thiện” đã ra đời vào tháng 10.2010. Những ngày đầu nhà hàng tổ chức phát cơm miễn phí cho người nghèo, số người đến rất thưa thớt, đa phần vì e ngại. Nhưng chỉ nửa tháng sau, khi đã hiểu mục đích của bếp ăn từ thiện, không chỉ đơn thuần là một bữa trưa, mà ý nghĩa chính nằm ở sự chia sẻ, nhà hàng đã phát hết 100 suất cơm chỉ trong vòng 30 phút.

Nhân viên nhà hàng đều là những bạn trẻ. Ngày đầu tuần, các bạn lại tất bật hơn với công việc chuẩn bị cơm cho người nghèo. Người nấu cơm, người luộc rau, người thái thịt… Không khí trong gian bếp nhỏ trở nên nhộn nhịp hơn khi các bạn bàn tán, góp ý cho nhau để bữa ăn đến với người nghèo phải “cơm dẻo, canh ngọt”. Anh Nguyễn Văn Vinh (quê Bình Định, làm nghề bán vé số) nói: “Hộp cơm trắng tinh, sạch sẽ, có đủ cả món mặn, rau, ăn rất ngon. Cảm nhận được sự quan tâm, sẻ chia của những người xung quanh khiến chúng tôi rất cảm động”.

Ý tưởng mở nhà hàng và làm từ thiện xuất phát từ Robert, nhưng anh nói “người trực tiếp thực hiện là những bạn trẻ Việt Nam. Họ mới là người có những hành động đẹp nhất”.

Nguyễn Chung - Thanh Niên

TS Vũ Thế Long, Tổng thư ký Hội Ẩm thực: “Hà Nội là tiệm buffet khổng lồ”

Trong một công bố mới đây, CNNgo đã xếp Hà Nội vào 1 trong 10 thành phố có món ăn đường phố ngon nhất châu Á. Một thú vui sống của thủ đô đã được ghi nhận và là một tài nguyên du lịch hứa hẹn.

Không chỉ là một người Hà Nội nghiên cứu ẩm thực, TS Vũ Thế Long còn là một “hướng dẫn viên” du lịch ẩm thực cho nhiều du khách nước ngoài. Ông chia sẻ với TNTS những câu chuyện nhỏ về ẩm thực đường phố Hà Nội.

Ngày ông còn nhỏ, người Hà Nội ăn ngoài đường như thế nào, thưa ông?

Ngày tôi còn nhỏ, ăn đường ăn chợ có khi còn bị coi là thiếu văn hóa. Ăn quà gì đã có người bê đi bán tận nơi. Người đội thúng, người gánh đi rong bán đủ thứ. Từ xôi lúa, xôi chè, đến bún ốc, phở. Người ta đi qua thì mình gọi vào nhà mua ăn. Hàng mì vằn thắn đứng đầu ngõ cũng gọi bê bát vào tận nhà. Chỉ có bún chả thì không gánh đi mà có cửa hàng trên phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến ngày nay). Ngoài ra, có vài thứ quà cho trẻ con bán ngoài đường như táo dầm ở rạp chiếu bóng, ngô nướng, kẹo kéo.

Phố ăn đêm Tạ Hiền - Ảnh: Lưu Quang Phổ


Quà Hà Nội phong phú lắm, nhưng cũng chỉ dừng lại nho nhỏ thế thôi. Hoàn toàn chưa có chuyện những vỉa hè ngồi la liệt người như bây giờ. Ăn ngoài đường chỉ mở rộng, phát triển mạnh sau khi đổi mới kinh tế.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Ai đọc truyện Nguyễn Công Hoan thì thấy rõ, trước năm 1945, người ta đi làm ngày hai buổi. Sáng ăn bát cơm rang xong đi làm. Buổi trưa về nhà ăn cơm, ngủ trưa xong lại đi làm. Sau này, chúng ta mới có làm thông tầm, cán bộ mang cơm đi ăn trưa. Công chức gắn bó với cái cặp lồng. Thời bao cấp, mở cặp lồng ra có miếng thịt kho dừa đã quý. Lúc kinh tế đổi mới mới lôi nhau ra ăn cơm trưa, cơm tự chọn. Rồi buổi tối cùng tụ tập ăn uống. Ăn vỉa hè phát triển mạnh trong khung cảnh đó.

Nhiều tour du lịch thường đặt trước tại các nhà hàng sang trọng, khuyên khách “né” món đường phố Hà Nội. Thực lòng, ông có nghĩ ăn ngoài đường là kém lịch sự, kém vệ sinh không?

Ăn đường phố đặc biệt ở chỗ người ta ăn trong một không gian rộng mở. Ăn như thế, mới không khó chịu như các cụ nói “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”. Ăn đường phố là loại ăn uống cởi mở nhất. Có thể một mình nhưng cũng không phải anh ăn một mình. Bởi tôi ăn trong cộng đồng, uống trong cộng đồng, ăn trong sinh hoạt xã hội đang diễn ra. Ai đến những quán trong khu vực phố cổ Hà Nội, sẽ thấy la liệt chỗ nào ăn uống chỗ đó cười vui. Nó là sân khấu.

Hàng bún trên đường phố Hàng Bè - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Vì thế, khách nước ngoài muốn hiểu ẩm thực Việt, muốn thưởng thức buffet Việt trong không gian rộng lớn, tốt nhất phải “dấn thân” vào ẩm thực đường phố. Biết lựa chọn thì không lo gì chuyện kém vệ sinh. Đó lại là việc của hướng dẫn viên.

Đã có những sản phẩm du lịch ẩm thực được nhiều khách lựa chọn dù không rẻ, trong đó có chương trình ẩm thực cùng TS Vũ Thế Long. Ông giới thiệu ẩm thực đường phố như thế nào trong tour này?

Họ đa số là khách sang trọng, chịu trả chi phí cao. Nếu khách ở Sofitel Metropole, chúng tôi đưa họ đến Lê Văn Hưu. Ở đó có hàng bánh cuốn rất ngon, chủ vốn là chị em ruột với bà chủ hàng bánh cuốn Hàng Gà. Tại sao lại chọn bánh cuốn? Vì những món nổi tiếng của Việt Nam như bánh cuốn, phở, bánh đa làm nem rán, bánh đa mì Quảng đều có gốc từ bột gạo tráng. Họ xem tráng bánh cuốn để hình dung rõ, nếu tráng mỏng rồi phơi là thành bánh đa, tráng dày hơn rồi thái ra thì thành phở.

Bánh cuốn cũng đậm lối ăn người Việt. Người nào lần đầu ăn phải giải thích nước mắm là gì, cầm đũa thế nào, rau thơm, chả, giò. Gia vị cũng tùy khách, có đến vài loại. Sự cởi mở, sáng tạo dành cho khách là ở chỗ gia giảm thêm.

Sau đó mình dẫn vào khách vào chợ Hôm gần đó giới thiệu thiên đường hoa quả. Chợ tuy bẩn, ướt, họ vẫn thích vì đấy đúng là chợ Việt: đa dạng và đồ tươi. Họ xem từng loại rau một, các loại cây thuốc nam, gia vị kèm thuốc. Họ cũng xem động vật: rùa, cá tôm, sò, ốc, cua bể. Sau đó ra quầy bánh xèo, gọi mỗi người một ít. Rồi đi lên nhà thờ lớn xem ô mai, hoa quả dầm. Thông qua ngõ Tạm Thương đến phở Bát Đàn, miến lươn tùy chọn. Có khách ăn phở, có khách lại thích bia hơi. Lựa chọn đa dạng thế nên có khách khi chia tay còn cười bảo tôi: “Hà Nội của ông như một nhà hàng buffet cực lớn, lại cực rẻ!”.

Trinh Nguyễn - Thanh Niên

Chảy nước miếng với ẩm thực Sài Gòn

Stephanie Zubiri, một đầu bếp tài năng và cũng là nhà báo chuyên viết về mảng ẩm thực đến từ Philippin đã chia sẻ trên trang Philstar về những món ăn ngon và các nhà hàng ở Sài Gòn khiến cô mê tít trong chuyến du lịch tới đất nước này.

Tôi thèm uốn chết' để đến Việt Nam và thưởng thức món bún bò mà mình có cơ hội ăn lần đầu ở Paris. 1h sáng tại sân bay khi đến TP HCM, tôi như chảy nước miếng khi nhìn thấy các quán phở đêm vẫn mở cửa và đã sẵn sàng để ăn tất cả.

Tôi không có kế hoạch cụ thể phải đến thăm thú bất kỳ điểm du lịch hấp dẫn nào. Tôi chỉ thích đi bộ lang thang quanh các phố và thưởng thức thật nhiều món ngon.

Stephanie Zubiri tại một khu chợ ở Sài Gòn

Sau một bữa sáng khá đơn giản vì tôi ngồi ăn ngay trên giường của khách sạn Park Hyatt (quận Lam Sơn, TP HCM), tôi và các bạn đồng hành đã quyết định tìm kiếm cho mình một bữa trưa. Tôi vạch ra danh sách các món ăn và trong thời gian ngắn, chúng tôi phải cố gắng thưởng thức cả một kho tàng ẩm thực của thành phố.

Bữa ăn tươi ngon với bún chả Cần Giờ và bia Sài Gòn chỉ có giá 1.5USD 
Chúng tôi tìm đến những quán ăn bình dân, uống thêm ly cà phê cho bữa sáng và ghé thăm điểm đến của những người sành ăn với ly cocktail vào ban đêm. Những ngày sau đó, chúng tôi thưởng thức món thịt nướng ngoài trời, hải sản tẩm ớt và hưởng thụ một bầu không khí tốt lành.

Chúng tôi tiến thẳng tới chợ Bến Thành (đường Lê Lợi, quận 1, TP HCM). Khu chợ có đầy rẫy các mặt hàng và tôi muốn mang tất cả chúng về nhà. Từ những đôi đũa màu xanh và trắng tuyệt đẹp được khắc bằng sứ đến cái điếu cày, cà phê, cây ác-ti-sô và các loại thảo mộc. Tôi muốn có một chiếc áo dài truyền thống của người Việt và một bộ quần áo mặc ở nhà.

Tôi dừng chân tại một quán ăn và thưởng thức món bún thịt nướng chả giò cùng một ly bia Sài Gòn. Bát bún của tôi có đủ tất cả những thứ mà tôi yêu thích: thịt lợn nướng thơm ngon, nem cuốn giòn tan và thêm một chút gia vị. Jonathan, Trưởng đoàn du lịch của chúng tôi ăn món phở gà. Từ nguyên liệu đến chất lượng và hương vị của bát phở đều sạch sẽ và hấp dẫn.

Bát phở gà nóng hổi, nước dùng trong veo được làm từ xương gà ninh trong thời gian dài nhưng giá chỉ có 1.5USD (khoảng hơn 30.000 đồng). Món tráng miệng của tôi là một cốc nước mía ép với hương vị tươi ngon tuyệt vời và cứ vương vấn trong tôi mãi.

Bát phở gà ngon và sạch khiến Jonathan mê mẩn
Sau một buổi chiều lang thang trong các phòng trưng bày nghệ thuật và uống cà phê, chúng tôi có một bữa sáng bên cạnh hồ bơi với những chiếc phở cuốn ngon tuyệt tại khách sạn Park Hyatt.

Món cua của nhà hàng Lounge Xu (Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM) rất giòn và có vị đậm đà của nước sốt me chua cùng vị đắng của cải xoong. Trong khi tôi thích thú với con cua vỏ mềm to bự mình chưa từng nhìn thấy trước đó thì Jonathan lại say sưa với món rau trộn thịt bò cay.

Món sườn heo sốt cay là tuyệt vời hơn cả. Tôi gần như đã chảy nước mắt vì sung sướng khi uống một thìa nước sốt với rất nhiều hương vị sả, nghệ, nước cốt dừa… Cả tôi và Jonathan không thể ngừng tán thưởng về những món ăn này.

Nhà hàng Temple Club (Tôn Thất Thiệp, quận 1, TP HCM) cũng là một điểm đến tuyệt đẹp và bạn có thể thưởng thức phở cuốn cùng một ly cocktail trước khi ăn tối.

Những chiếc nem cuốn ngon nhất mà Stephanie Zubiri được ăn và chỉ nhìn thôi cũng thấy nó giòn như thế nào

Tối hôm đó, chúng tôi đã đến muộn, nhà hàng sắp đóng cửa và một nữ phục vụ bàn hỏi: “11h chúng tôi đóng cửa, bây giờ là 10h30, chỉ còn 30 phút, các bạn có chấp nhận ngồi ăn không?”. Với khoảng thời gian có hạn, chúng tôi đã được thưởng thức món thịt lợn nướng ướp gia vị, thịt bò xào sả, cơm trắng thơm ngon, đậu bắp và cà tím nướng cùng bia tươi…

Ngày hôm sau cũng có không ít thú vị khi chúng tôi tới nhà hàng Ngọc Sương (Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP HCM) để thưởng thức hải sản. Với 8 món cho hai người ăn, chúng tôi phải rất cố gắng để thưởng thức tất cả.

Món cá đá với hình thù khá xấu xí nhưng thú vị, nhìn giống như một chú hoàng tử ếch đứng giữa lớp sương mờ và nước tương của món cá như những đám mây tuyệt đẹp. Tôi đã phải thốt lên rằng: “Tôi yêu Sài Gòn” khi thưởng thức những món ăn tuyệt ngon đó.

Chúng tôi kết thúc một ngày với món bánh truyền thống của Philippin. Nhưng trong đầu của tôi luôn tràn ngập hình ảnh của sả, ớt cay xè, những món ăn tuyệt vời và những con người thú vị của Sài Gòn, Việt Nam.

Một món hải sản ở nhà hàng Ngọc Sương

Trong cảm nhận của tôi, Việt Nam có hai hình ảnh trái ngược nhau: một hình ảnh Việt Nam khó khăn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Một hình ảnh Việt Nam tràn đầy sức sống với phong cách nấu ăn đa dạng, tinh tế và bình dị với hình ảnh cô gái Sài Gòn mặc áo dài và đi xe đạp.

Người dân di chuyển quanh thành phố trên những chiếc xe hai bánh, từ xe thông dụng như Wave Honda đến loại xe sang trọng là Vespa. Bạn có thể nhìn thấy trong đôi mắt của họ, sự thành công của họ phụ thuộc vào một điều duy nhất: họ làm việc chăm chỉ như thế nào.

TP HCM ngày nay gây ấn tượng sâu sắc bởi cuộc sống sôi động và đầy nhiệt huyết. Tinh thần chiến đấu anh dũng của người dân Việt Nam trong quá khứ vẫn còn đó, nhưng đang tiến lên theo những định hướng đã vạch ra là: phát triển và thịnh vượng.

Lê Xuyền - Đất Việt/Philstar

4/19/2012

“Lời nói dối vĩ đại về thịt bò Kobe”

Tạp chí Forbes mới đây đã khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, tất cả những thứ được gọi là “thịt bò Kobe” trên đất Mỹ chỉ là trò bịp.

Một cuộc thi bò ở Kobe - Ảnh: Getty.

Trong bài viết mang tên “Food’s biggest scam: The great Kobe beef lie” (tạm dịch: “Vụ lừa đảo thực phẩm lớn nhất: Lời nói dối vĩ đại về thịt bò Kobe”), tác giả Larry Olmsted của Forbes cho biết, không thể mua được thịt bò Kobe ở Mỹ.

“Bạn không thể mua được thịt bò Kobe ở đất nước này, cho dù trong cửa hiệu, qua thư, hay ở các nhà hàng. Cho dù bạn có chi bao nhiêu tiền, nhà hàng bạn đến sang trọng đến đâu, thì bạn đều bị lừa với thứ mà họ gọi là “thịt bò Kobe”. Thật tiếc khi phải nói với bạn điều này, nhưng nếu bạn không ở châu Á thì gần như chắc chắn bạn chưa từng được nếm món thịt bò Kobe nổi tiếng của Nhật.

“Bạn chỉ có thể đã được ăn món thịt bò “nhái Kobe” từ vùng Midwest, Great Plains, Nam Mỹ hoặc Australia, nơi người ta sản xuất loại thịt bò mà tôi gọi là “Faux-be”. Cũng có thể bạn đã được ăn thịt bò Kobe giả nhập khẩu từ Nhật trước năm 2010. Hiện nay, luật của Mỹ cấm nhập khẩu, thậm chí là xách tay, bất kỳ sản phẩm thịt bò nào từ Nhật Bản. Trước năm 2010, chỉ có thể nhập thịt bò tươi sống không xương từ Nhật, nhưng không có sản phẩm nào là thịt bò Kobe thật. Theo luật của Nhật, thịt bò Kobe chỉ có thể là sản phẩm của vùng Hyogo mà Kobe là thủ phủ, mà ở đó lại không có một nhà giết mổ gia súc nào được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (USDA) chứng nhập để xuất hàng vào Mỹ.

Theo Hiệp hội Marketing, phân phối và phát triển thị trường thịt bò Kobe của Nhật Bản, nơi Thịt bò Kobe là một nhãn hiệu thương mại được đăng ký, thì Macao là thị trường duy nhất nhập khẩu chính thức loại thịt này, và cũng chỉ mới nhập là năm ngoái. Bởi thế, giả sử nếu bạn được ăn thịt bò Kobe thật ở Mỹ, thì có lẽ ai đó đã âm thầm giấu thịt đó trong hành lý của họ để mang vào Mỹ”.

Trên thực tế, các món thịt bò gọi là Kobe vẫn xuất hiện đầy rẫy trên các chương trình truyền hình của Mỹ, bên cạnh những gương mặt đầu bếp nổi tiếng, và trên thực đơn của các nhà hàng khắp nước Mỹ. Mua thịt bò Kobe trên mạng ở Mỹ cũng thật dễ dàng. Nhiều bài báo trên tờ báo uy tín The New York Times cũng hết lời ca ngợi món “thịt bò Kobe” ở những nhà hàng hạng sang thuộc khu Manhattan. Chẳng lẽ tất cả đều là thịt bò Kobe giả mà nhà chức trách Mỹ lại làm ngơ?

Bài viết đưa ra câu trả lời đơn giản: Mặc dù Thịt bò Kobe, Thịt Kobe và Gia súc Kobe là các nhãn hiệu đã được đăng ký và bảo hộ ở Nhật, các nhãn hiệu này lại chưa hề được đăng ký hay bảo hộ theo luật Mỹ. Chính điều này đã tạo cơ hội để người tiêu dùng bị móc túi.

“Ở Nhật, để được gọi là thịt bò Kobe, sản phẩm thịt phải đảm bảo những tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo. Đó phải là thịt của con bò giống Tajima-gyu thuần chủng, bò lai không được chấp nhận. Con bò phải được sinh ra ở vùng Hyogo, nuôi lớn bằng cỏ, nước và trong điều kiện khí hậu ở đây suốt đời. Đó phải là một con bò đực hoặc bò cái chưa qua sinh nở. Thời gian nuôi một con bò Tajima-gyu cho tới lúc được lấy thịt cũng lâu hơn các giống bò khác, khiến chi phí đội thêm. Khi giết mổ, con bò phải được làm thịt tại một nhà giết mổ ở Hyogo, sau đó trải qua một cuộc thẩm định ngặt nghèo của nhà chức trách.

Hiện chỉ có khoảng 3.000 đầu gia súc được xem là Thịt bò Kobe trên toàn thế giới, và không có con nào ở ngoài biên giới Nhật Bản. Quy trình còn ngặt nghèo đến nỗi, khi thịt bò Kobe được bán đi, cho dù trong cửa hiệu hay nhà hàng, thịt đó phải mã số bao gồm 10 chữ số để người tiêu dùng biết đó là thịt đến từ con bò Tajima-gyu nào”.

Trò “lập lờ đánh lận con đen” với thịt bò Kobe ở Mỹ còn được đẩy lên mức cao mới khi các nhà cung cấp đưa ra những tên gọi như “thịt bò Kobe kiểu Mỹ”, “thịt bò Wagyu”. Đến nhà hàng, khách hàng có thể được lý giải rằng, Wagyu là tên của giống bò cho ra thịt bò Kobe. Nhưng như tác giả đã lý giải, thịt bò Kobe phải là giống Tajima-gyu thuần chủng, còn Wagyu lại có nghĩa là “gia súc Nhật Bản”, dùng để chỉ toàn bộ các giống gia súc ở đất nước mặt trời mọc.

Theo tác giả bài báo, lý do duy nhất khiến có thứ thịt bò “gọi là Kobe” được bán ở Mỹ là bởi vì Chính phủ Mỹ để các nhà cung cấp gọi nhiều thứ là thịt bò Kobe. Còn lý do để người tiêu dùng mua những thứ thịt đó là bởi ngành công nghiệp gia súc ở Kobe đã dành một quãng thời gian nhiều năm ròng xây dựng uy tín về sự tuyệt hảo của sản phẩm, một thứ uy tín đã bị đánh cắp.

Trước đây, các nhà hàng và các công ty phân phối thực phẩm ở Mỹ thường cho bất kỳ loại thịt bò nào đến từ Nhật là thịt bò Kobe. Trong hai năm trở lại đây, khi Mỹ không nhập thịt bò Nhật nữa, thì các món thịt bò Kobe theo cách gọi của họ chỉ còn điểm chung duy nhất là thịt bò, còn xuất xứ có thể đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

4/16/2012

Làm marketing như McDonald

Khi làm marketing, chúng ta luôn nghĩ rằng nếu càng có nhiều tiền thì hiệu quả càng cao. Và tất nhiên chúng ta cũng biết rằng McDonald có nhiều tiền làm marketing hơn bất kỳ một chuỗi nhà hàng nào trên thế giới. Họ đã chi cho marketing nhiều hơn số tiền mà một số công ty tiêu trong cả năm. Vào năm 2008, McDonald đã chi 782.6 triệu đô la cho marketing trực tiếp (TV, radio, và các ấn phẩm quảng cáo). Một khoản tiền lớn khủng khiếp!

Trong ngành kinh doanh này, chúng ta thường nghe thấy những chủ nhà hàng hoặc chuỗi nhà hàng nhỏ hơn nói, “Làm sao tôi có thể cạnh tranh được với một túi tiền đầy như thế?” Câu trả lời là, “Bạn không thể!” Nhưng điều bạn có thể làm là sử dụng thông minh hơn với từng đồng đô la bạn có.

4/15/2012

Mỹ cảnh báo nhiễm khuẩn salmonella từ cá ngừ

Hãng tin AP dẫn lời giới chức y tế liên bang Mỹ cho biết loại cá ngừ vàng được sử dụng như nguyên liệu chính trong món sushi và sashimi được bán tại các nhà hàng và cửa hàng thực phẩm có chứa khuẩn salmonella vốn là nguyên nhân gây bệnh cho hơn 100 người ở hơn 20 tiểu bang tại nước này.

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cho biết 116 ca nhiễm bệnh được phát hiện, trong đó có 12 người nhập viện và hiện chưa có ca tử vong nào được báo cáo.


Cá ngừ vàng thường được dùng để chế biến món sushi (ảnh minh họa) - Ảnh: Shutterstock
 
Tập đoàn Moon Marine USA Cupertino (California, Mỹ) được biết đến với tên MMI, đã tự nguyện thu hồi 58.828 kg cá ngừ vàng đông lạnh, được gắn nhãn là Scrape Nakaochi AA hoặc AAA khi bán cho các cửa hàng thực phẩm và nhà hàng.

Sản phẩm này không bán cho những người tiêu dùng cá nhân nhưng lại được chế biến thành sushi, sashimi và các món ăn tương tự khác trong các nhà hàng.

Nhiều người trong số 116 ca nhiễm bệnh kể trên cho biết đã ăn cá ngừ sống ở món sushi.

Các triệu chứng phổ biến nhất mà khuẩn salmonella gây ra là tiêu chảy, đau bụng và sốt trong vòng 8 - 72 giờ sau khi ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng của trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

FDA khuyến cáo mọi người phải thận trọng khi ăn hải sản sống, tìm hiểu kỹ nguồn gốc và nếu có bất kỳ nghi ngờ gì thì không nên ăn.

Nguyễn Đan - Thanh niên

4/11/2012

Từ bán bắp rang thành chủ nhà hàng ở Disneyland

Khi khu vui chơi Disney lần đầu được mở cửa tại Paris năm 1992, chàng trai 21 tuổi có tên Mourad Adili đã rất hài lòng khi được nhận công việc bán bắp rang bơ tại đây.

Ngày nay, khi công viên tổ hợp này tròn 20 tuổi, người đàn ông vui tính người Algeria này đã là chủ sở hữu của 60 nhà hàng tại đây.

Đây chính là một ví dụ điển hình của cơ hội đổi đời nhờ Disneyland.

Ngày 12/4, Disneyland Paris sẽ làm lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Và nhân dịp này, khi nhìn lại những con số, người ta không thể không ngả mũ khi khu vực vui chơi hút khách nhất ở châu Âu này đã đón nhận hơn 250 triệu lượt khách trong hai thập niên qua.

Nằm ở phía Đông của thủ đô nước Pháp, Disneyland Paris như một hòn đảo của Mỹ đặt tại Pháp. Tại đây, cơ hội chia đều cho tất cả, như giám đốc Phillipe Gas tuyên bố: “Chúng tôi không quan tâm xem hồ sơ của bạn có phù hợp hay không. Chúng tôi chỉ quan tâm về tiềm năng phát triển của bạn.”

Tại khu Disney của Paris, 80 phần trăm người quản lý vươn lên từ các thứ hạng thấp, trên tổng số 14.500 người làm việc tại đây. Sự đa dạng còn đến từ quốc tịch, khi các thành viên đến từ hơn 100 quốc gia khác nhau và có tới 20 thứ tiếng được sử dụng.

Trong một đất nước mà người da màu hay gốc Arập phần lớn đều thất nghiệp, có khu vực tỷ lệ này còn lên tới 40 phần trăm, thì hành động của Disneyland Paris là rất đáng quý.

Sinh ra tại một làng quê nghèo khó tại Algeria, Adli là một tấm gương về sự phát triển, khi anh được giao chức giám đốc các nhà hàng của công viên vào năm 1998.

Theo Adli chia sẻ, chính Disneyland Paris đã làm thay đổi cuộc đời anh, giúp anh có công việc làm ổn định và là nơi mà anh gặp vợ mình. Người đàn ông giờ là cha hai đứa trẻ nhận xét: “Ở đây thì bất kể tôi đến từ đâu đều không quan trọng. Điều quan trọng là khả năng làm việc của bản thân mà thôi. Chính điều này đã giữ chân tôi ở lại, bởi ở những nơi khác hay thậm chí cả quê hương tôi, sẽ không có cơ hội việc làm cho những người như tôi.”

Giám đốc điều hành Phillipe Gas cho biết ông luôn nhận giúp đỡ những người trẻ đến từ các khu vực khó khăn, sau khi họ vật lộn mà không kiếm được việc dù đã có tới bốn, năm năm học các chương trình cao hơn.

Gas chia sẻ với AFP: “Có hai phụ nữ hiện đang làm ở đây từng mất tới bốn năm gửi hồ sơ mà không hề được hồi âm lấy một lần. Chỉ bởi họ đến từ một vùng nghèo khó mà họ không thể kiếm được việc làm. Có những người trẻ rất chăm chỉ, làm việc hiệu quả hơn nhiều người khác song vẫn không thể thuyết phục được các ông chủ dành thời gian dù chỉ cho một buổi phỏng vấn.”

Kể từ ngày khai trương, Disneyland đã tạo ra tới 55.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, tạo ra nguồn thu xấp xỉ 50 tỷ euro cho nền kinh tế Pháp, theo thống kê của chính phủ vào tháng trước.

Trong những năm đầu, khi mà khách thăm quan còn khá ít, công viên đã chìm ngập trong nợ nần, song giờ Disneyland Paris tự tin rằng mình có thể trả hết nợ vào năm 2024.

Nhờ hiệu ứng của Disney mà thị trấn kế bên mang tên Bailly Romainvilliers từng chỉ có 600 cư dân vào năm 1990, đến nay đã tăng thành 6000 cư dân.

Theo thị trưởng của thị trấn, ông Arnaud de Benelet, khu vui chơi này là một “đòn bẩy kinh tế.” Tuy nhiên về mức lương, ông chia sẻ rằng vẫn còn nhiều công việc có “lương thấp hơn mức tổi thiểu, và đó không phải là điều mọi người tại đây trông đợi.”

Nhà xã hội học người Pháp Sophie Bernard nhận định rằng các tập đoàn lớn thường sử dụng các nấc thang phát triển sự nghiệp để “khuyến khích nhân viên làm việc hết năng suất, song chỉ rất ít người trong số đó đủ kiên nhẫn để leo hết các nấc thang này.” Nhiều nhân viên làm việc ở đây cũng thường phàn nàn về giờ làm bất thường lẫn mức lương trung bình thấp.

Chính phủ Pháp đã phải thừa nhận vấn đề này vào tháng Một sau khi một nghiên cứu chỉ ra rằng tình hình ngày càng khó khăn hơn cho trẻ em nghèo có thể tiếp cận giáo dục đầy đủ lẫn các việc làm tốt.

Các nghiên cứu từ Bộ giáo dục chỉ ra rằng ảnh hưởng về nguồn gốc xã hội của một cá nhân tại Pháp quan trọng gấp đôi tại Canada hay Nhật, với chỉ 15% trẻ em xuất thân từ tầng lớp lao động có thể có một tấm bằng đại học./.

L..Q (Vietnam+)

4/10/2012

"Ăn trưa, mất xe SH" vẫn không được bồi thường?

Chỉ vì không có vé xe, không có nhân viên trông xe mà khi đến ăn trưa tại nhà hàng La Place, số 6 Ấu Triệu, Hà Nội, chị Bùi Thị Thùy Dung đã bị mất trộm chiếc xe máy SH trị giá hơn 100 triệu đồng mà chưa được bồi thường.

Tại Hà Nội đã từng xảy ra nhiều vụ khách hàng bị mất trộm xe máy khi vào nhà hàng ăn uống, tuy nhiên những vụ được nhà hàng bồi thường lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều khách hàng đã bị mất trắng tài sản vì giữa khách và nhân viên nhà hàng chỉ có thỏa thuận miệng “trông giữ xe”.

Mất xe… vì không vé, không nhân viên trông xe

Khoảng 12h ngày 5/3, chị Bùi Thị Thùy Dung, trú tại 32 Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng cùng một người bạn vào nhà hàng La Place, số 6 phố Ấu Triệu để ăn trưa. Khi dựng chiếc xe SH mang BKS 16L6-2079 sát vỉa hè đối diện quán, chị Dung hỏi nhân viên nhà hàng là chị Nguyễn Thu Hoà để xe ở đây có được không thì chị Hoà trả lời là có và dặn khoá cổ xe. Sau đó, chị Dung lên tầng 2 ăn trưa.

Sau khi ăn trưa xong, khoảng 13h, chị Dung xuống tầng 1 lấy xe thì không thấy chiếc xe SH của mình đâu. Sau đó, chị Hòa và nhân viên trông xe (khi chị Dung đến đã bỏ đi ăn trưa nên không có ở đó) đã đến Công an phường Hàng Trống để trình báo sự việc mất xe.

Theo đơn chị Dung trình bày thì tại Công an phường, chị Hòa đã nhận việc mất xe của khách xảy ra tại nhà hàng là đúng và nhà hàng La Place sẽ có trách nhiệm với khách. Tuy nhiên, khi về đến nhà hàng thì chị Hòa lại nói rằng không phải là chủ quán nên không thể thay mặt nhà hàng giải quyết vụ việc. Sau đó, chị Dung đã nhiều lần điện thoại để gặp chủ quán nhưng người chủ vẫn bặt vô âm tín. Từ ngày 5/3 đến nay, phía nhà hàng vẫn chưa có động thái nào trong việc bồi thường cho chị Dung.

Nhà hàng La Place tại số 6 Ấu Triệu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung tá Hoàng Đức Thọ, Trưởng Công an phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm cho biết: Sau khi nhận được đơn trình báo của chị Bùi Thị Thùy Dung, Công an phường đã lập hồ sơ và tiến hành xác minh điều tra làm rõ sự việc. Tối 6/3, Công an phường đã mời nhân viên có mặt hôm đó là chị Nguyễn Thu Hoà và chị Lan, chủ quán lên làm việc.

Chị Lan khẳng định nhà hàng không hề có bảo vệ nhận trách nhiệm trông giữ xe cho khách, đồng thời đã treo tấm biển trước cửa là “khách tự bảo vệ tài sản của mình”. Còn chị Hòa thì có xác nhận việc hướng dẫn chị Dung để xe sang bên kia đường, đồng thời yêu cầu chị Dung khoá cổ nhưng không phải là nhân viên trông xe nên không có trách nhiệm trông xe cho chị Dung. Như vậy, theo chị Lan thì quán không có trách nhiệm phải bồi thường cho chị Bùi Thị Thùy Dung.

Liên quan đến vụ việc này, Công an phường đã tiến hành lập hồ sơ, điều tra xác minh vụ mất trộm xe máy SH của chị Dung tại khu vực vỉa hè đối diện với nhà hàng La Place. Tuy nhiên, sau 1 tuần, vụ việc chưa được làm rõ nên theo đúng quy trình điều tra truy xét, Công an phường đã gửi hồ sơ lên Công an quận Hoàn Kiếm, đồng thời hướng dẫn chị Dung làm đơn ra toà dân sự để giải quyết sự việc.

Khách hàng phải nêu cao cảnh giác

Trường hợp của chị Dung không phải là hy hữu mà tại Hà Nội từng xảy ra nhiều vụ mất xe máy của khách khi vào nhà hàng, quán cà phê để ăn uống. Gần đây nhất là vụ mất xe máy của anh Vũ Song Toàn, trú ở chung cư Đường Sắt, số 35 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội khi anh đến nhà hàng My Way (địa chỉ ở tầng 1, tòa nhà 24T2, khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính) để tiếp khách. Trường hợp của anh Toàn cũng tương tự như vụ mất xe của chị Dung, tuy nhiên sau một thời gian dài chờ đợi, anh Toàn đã được nhà hàng bồi thường.

Ở Hà Nội hiện có hàng nghìn nhà hàng, quán ăn và ít có trường hợp nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống mà lại không nhận trông giữ xe cho khách khi họ vào sử dụng dịch vụ của mình. Đó được xem như là một thói quen trong hoạt động kinh doanh nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, và xã hội chúng ta đang mặc nhiên thừa nhận thói quen đó.

Cũng vì điều này mà gần đây ở Hà Nội đã xuất hiện tình trạng đạo chích trà trộn là nhân viên của nhà hàng nhận xe của khách, sau đó “cuỗm” luôn xe. Có khách hàng sau khi ăn nhậu xong, đi tìm đỏ mắt không thấy xe máy đâu, mới biết là mình đã “gửi trứng cho ác”.

Trong thời buổi kinh doanh hiện nay, việc nhà hàng không bố trí được chỗ để xe và trông xe cho khách đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh. Bởi không có ai lại vừa đi ăn, đi uống cà phê mà lại vừa trông xe của mình được.

Trở lại trường hợp của chị Dung, chị cho biết, chị nhiều lần đến nhà hàng La Place ăn uống và chị không nhìn thấy nhà hàng (kể cả sau khi bị mất xe, chị ngồi ở nhà hàng trong vài tiếng) treo biển “khách tự bảo quản tài sản”, nên nhà hàng đưa ra lý do “đã treo biển nên không chịu trách nhiệm” là không thuyết phục, là để rũ bỏ trách nhiệm.

Anh Tuấn Anh, ở phố Định Công cho biết: “Nhà hàng phục vụ khách ở tầng 2 mà lại bảo khách tự bảo quản xe thì quả là vô lý. Nếu trưng tấm biển này thì có lẽ rất ít khách dám vào ăn uống”.

Xét về góc độ bảo vệ người tiêu dùng thì cách xử sự của nhà hàng theo kiểu “chối bỏ trách nhiệm” với khách là hết sức vô lý. Trong thời buổi kinh doanh hiện nay, giữ uy tín và thương hiệu là vô cùng quan trọng. Sự việc của chị Dung là bài học cảnh giác cho mọi người khi đến nhà hàng phải có giao kèo và phải lấy vé gửi xe để khi xảy ra sự việc đáng tiếc thì đó chính là tính pháp lý bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Dư luận cho rằng, đối với những nhà hàng thông báo về việc khách hàng tự bảo quản phương tiện giao thông, mất nhà hàng không chịu trách nhiệm thì người tiêu dùng nên tẩy chay

T.Hằng - N.Hương/ CAND


4/06/2012

Trung Quốc: bắt giữ hơn 100 người làm dầu ăn bẩn

Bộ Công an Trung Quốc vừa cho biết nước này đã bắt giữ hơn 100 người bị tình nghi làm dầu ăn bẩn từ xác động vật bị phân hủy và các cơ quan nội tạng khác.

Xác động vật được tìm thấy ở cơ sở sản xuất dầu bẩn của Li
 
Ngoài ra, cảnh sát còn thu giữ hơn 3.200 tấn dầu bẩn và đóng cửa 13 cơ sở sản xuất loại dầu này tại bốn tỉnh thành và hai khu tự trị.

Vụ việc bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái khi người dân thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc báo với cảnh sát địa phương rằng họ thường xuyên ngửi thấy mùi hôi thối ở khu vục ngoại ô thành phố và nghi ngờ dầu ăn bẩn đang được sản xuất tại đây.

Qua năm tháng điều tra, cảnh sát đã phát hiện một nhóm, do Li Weijian dẫn đầu, chuyên sản xuất dầu ăn bẩn và tìm thấy xác động vật cùng nhiều cơ quan nội tạng khác tại cơ sở sản xuất của họ.

Một số nhà máy luyện dầu ở các tỉnh An Huy, Giang Tô và khu tự trị ở thành phố Trung Khánh đã mua lại sản phẩm này và sau đó bán cho các nhà hàng, đặc biệt là các nhà hàng lẩu.

Ước tính từ tháng 1 đến tháng 11-2011, nhóm của Li đã kiếm được 10 triệu NDT (khoảng 1,59 triệu USD) từ việc kinh doanh dầu bẩn.

Hiện tại, dư luận Trung Quốc đang rất phẫn nộ trước hành vi kiếm lời bất hợp pháp dựa trên việc hủy hoại sức khỏe cộng đồng này. Luật sư Yi Shenghua từ Hãng luật Yingke cho hay Li và đồng bọn bị xếp vào loại tội phạm liên tỉnh. Đây cũng là vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi liên quan đến một số lượng tiền lớn và gây nguy hiểm đến tính mạng của rất nhiều người.

NGUYÊN PHẠM (Theo China Daily)

4/02/2012

Ngành dịch vụ ngấm khủng hoảng: Nhà hàng ế khách

LTS: Năm 2011 nền kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp: Nợ công châu Âu, suy thoái tại Hoa Kỳ. Sự tác động này tiếp tục kéo sang năm 2012, chỉ mới 3 tháng đầu đã có hàng loạt DN trong nước phá sản, giải thể, nhiều DN nằm trong tình trạng "chết lâm sàng". Cùng chung số phận là các ngành dịch vụ như nhà hàng, văn phòng cho thuê, du lịch...

“Cái thời kinh doanh nhà hàng “một vốn bốn lời”, khách nườm nượp đi ăn tới khuya, nhân viên tất tả phục vụ mới đó mà như quá xa. Chúng tôi đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại, tặng thưởng nhưng số lượng khách đến nhà hàng ngày một vắng” - quản lý một nhà hàng lớn ở TPHCM ta thán.

Đìu hiu, vắng vẻ

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn cùng với những tác động của việc tăng giá điện, gas, xăng dầu gần đây dẫn đến vật giá leo thang đánh trực tiếp vào hầu bao của người dân. Có lẽ vì vậy nhiều người đã lên những kế hoạch tiết giảm chi tiêu và một trong những biện pháp là bớt lui tới những nhà hàng.

Tại nhà hàng YASHI (quận 3), anh Hoàng Tiến, một cổ đông của nhà hàng, chia sẻ: “Nhà hàng chúng tôi đi theo hướng thiết kế sang trọng mang phong cách Hàn Quốc với nhiều món đặc sản nướng, lúc đầu thu hút một lượng khách quen nhất định.

Tuy nhiên, gần đây thực khách giảm nhiều, kể cả những buổi tối cuối tuần. Trong khi đó, các chi phí trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, nguyên vật liệu ngày càng tăng cao. Nguồn tài chính thu được không đủ bù lỗ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ráng cầm cự, duy trì kinh doanh và hy vọng thời gian tới sẽ bớt khó khăn, tình hình khả quan trở lại”.

Tương tự, anh Nguyễn Minh Hà, quản lý Nhà hàng hải sản Phú Khang (quận 10), cũng cho biết: “Lượng khách đến nhà hàng giảm mạnh so với cách đây 6 tháng. Buổi tối vào giờ cao điểm nhà hàng chỉ có khoảng chừng 200 lượt khách. Số vốn đầu tư, tiền thuê mặt bằng cùng nhiều chi phí khác lên đến hàng tỷ đồng trong khi số tiền thu được rất hạn hẹp”.

Anh Hà dẫn chúng tôi tham quan nhà hàng để cảm nhận được hình ảnh cười nói rộn rã, tiếng cụng ly chúc mừng hay nhỏ to tỉ tê tâm sự chật kín phòng đã thưa thớt và ít náo nhiệt hơn trước nhiều.

Anh Nguyễn Phước Tâm, Giám đốc điều hành nhà hàng Zenta (Mạc Đĩnh Chi, quận 3) cho biết: “Lượng khách đến nhà hàng gần đây giảm khoảng 20%. Sụt giảm mạnh về doanh số nên chúng tôi phải tạm ngưng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị để cân đối khoản thu chi. Tùy tình hình kinh doanh của nhà hàng, chúng tôi sẽ thực hiện các chương trình khuyến mại chứ không điều chỉnh về giá cả thực đơn”.

Nhưng cũng có người không trụ nổi với tình hình khó khăn nên bỏ cuộc. Chị Hoài, chủ nhà hàng Việt Xưa (quận 3) đã sang lại mặt bằng, chấp nhận thua lỗ vì phải rút tiền túi ra bù lỗ hàng tháng. Nhiều chủ đầu tư có dự định mở nhà hàng cho biết đang suy tính cẩn trọng, đồng thời chờ thông tin ấm lên của thị trường mới tiếp tục nhằm tránh rủi ro.

Chia sẻ cùng khách hàng

Người Việt Nam rất sành ăn và việc đi ăn nhà hàng dường như thành một nét văn hóa ở các đô thị. Dù phải tiết giảm đi ăn nhà hàng nhưng đây vẫn là nơi thích hợp nhất tổ chức các buổi tiệc, họp mặt, gặp gỡ đối tác đối với nhiều người. Những nhà hàng có thương hiệu vẫn là điểm đến mỗi khi có nhu cầu của các nhóm thực khách quen thuộc.

Đối với Nhà hàng Việt Phố (49 Lê Quý Đôn), anh Hoàng Vũ - quản lý nhà hàng, cho biết: “Việt Phố được xây dựng cách đây gần chục năm nên lượng khách ở đây tương đối ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng khách cũng có giảm. Để chia sẻ khó khăn cùng thực khách, chúng tôi vẫn giữ mức giá thực đơn ổn định. Điểm nổi bật của nhà hàng để thu hút thực khách mới, giữ chân thực khách cũ chính là việc nướng hải sản công khai để khách nhìn tận mắt rất hấp dẫn, đảm bảo vệ sinh chất lượng".

Một nhà hàng lớn trong cảnh vắng vẻ, ít khách.
 
Anh Tại Gia Tuấn, Giám đốc điều hành Nhà hàng F&B-Cát Đằng (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) chia sẻ: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn nhà hàng cũng không phải ngoại lệ, số lượng và mức chi tiêu của khách khi đến nhà hàng chúng tôi giảm, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên giá, chất lượng món ăn để chia sẻ với khách hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai nhiều chương trình khuyến mại, gói sản phẩm hợp lý để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Hy vọng những chia sẻ trên được khách hàng cảm thông, tiếp tục ủng hộ nhà hàng”.

Khác với các ngành kinh doanh sản xuất khác, kinh doanh ẩm thực gắn liền với thương hiệu, địa điểm và mặt bằng. Theo anh Hà, quản lý Nhà hàng Phú Khang, mở nhà hàng là công việc vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính kỹ thuật.

Nhà hàng mọc lên như nấm nếu chọn sai địa điểm, quảng cáo, khuyến mại không đúng đối tượng, chi phí điều hành cao... đều có thể dẫn đến thất bại. Kinh doanh nhà hàng có thể có thời điểm khó khăn, chựng lại hoặc thua lỗ nhưng nếu nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của thực khách, cùng với chiến lược kinh doanh sáng tạo phù hợp vẫn thu hút được khách hàng cụ thể, từ đó trụ vững.

“Phú Khang thu hút thực khách bằng những chương trình kinh doanh như hạ giá thực đơn vào ban ngày 5% cho tất cả khách hàng, phát 1.000 phiếu giảm giá 10% cho tổng hóa đơn… Hy vọng những chiến lược được triển khai sẽ giúp nhà hàng bám trụ qua thời kỳ khó khăn và phát triển về sau” - anh Khang cho biết.

Thanh Vy - Yến Nhi/ Sài Gòn Đầu tư Tài chính

4/01/2012

“Kỳ quan Hạ Long” oằn lưng chịu phí?

Sáng 30/3, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổ chức New7Wonders đã công bố vịnh Hạ Long chính thức là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Điều người dân Việt Nam quan tâm là những loại phí mà người sử dụng “kỳ quan Hạ Long” phải trả bắt đầu từ tháng 4/2012.

Ngay sau khi cuộc bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới thế giới kết thúc, một thông tin được khá nhiều người quan tâm là Tổ chức New Open World (Thụy Sĩ) nhận được bao nhiêu tiền từ số lượng 24 triệu tin nhắn của người dân Việt Nam. Ước tính với 630 đồng/tin nhắn, sau khi trừ thuế 30 đồng/tin, tổ chức này thu về khoảng 15 tỉ đồng.

Gắn thêm logo, thêm phí sử dụng

Theo ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VH-TT&DL), các nhà tài trợ thương mại hai buổi lễ đón nhận danh hiệu sắp được tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh sẽ phải trả một phần phí bản quyền cho New Open World Corporation (NOWC) theo tỉ lệ thỏa thuận với nhau, có thể 15%-30%. Toàn bộ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà sản xuất đồ lưu niệm... muốn gắn logo N7W phải trả phí bản quyền cho NOWC. Cụ thể phí như thế nào thì các bên sẽ đàm phán với nhau, Bộ VH-TT&DL không có chức năng can thiệp vào việc tính phí.

Sau danh hiệu là... loạn phí
 
Trong khi việc tính phí của NOWC là chắc chắn và chưa rõ mức cụ thể, trên trang web goseewrite.com, chuyên gia du lịch quốc tế Michael Hodson cảnh báo: “Bernard Weber (người khởi xướng dự án - PV) mượn danh nghĩa “một tổ chức phi lợi nhuận” để kiếm lợi nhuận thông qua những công ty trung gian, từ các nước có cơ quan quản lý du lịch háo danh. Một khi thắng cảnh của nước bạn “lỡ” được trao danh hiệu “kỳ quan thiên nhiên thế giới mới”, chắc chắn NOWC sẽ đòi hàng triệu USD phí bản quyền sử dụng logo của họ. Nhưng có khi vì há miệng mắc quai, tổn thất thật sự sẽ không được nói ra vì lý do sĩ diện”.

Hơn 100 triệu USD từ kinh doanh danh hiệu

Chỉ một tháng sau khi công bố danh hiệu “bảy kỳ quan mới”, NOWC đã cử luật sư đàm phán về quyền sử dụng danh hiệu này với các danh thắng được bầu chọn. Dễ hiểu là tại sao không có ban quản lý “kỳ quan mới” nào như Đấu trường La Mã (Ý), đền Taj Mahal (Ấn Độ), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc)... đề cập đến việc giành chiến thắng “bảy kỳ quan mới” trên trang web của họ.

Vì vậy mà NOWC phải bày ra sân chơi mới là “bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới” để tìm khách hàng. Thoạt đầu công ty này thu phí niêm yết ứng viên “bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới” khá mềm: 200 USD.

Ngành du lịch Indonesia tiết lộ rằng NOWC đòi chi 10 triệu USD phí cấp phép, cộng thêm 47 triệu USD để tổ chức đêm chung kết, công bố kết quả và bảo đảm công viên rồng Komodo được bình chọn là một trong “bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới”. Vì chỉ có ngân sách khoảng 944.000 USD để quảng bá cho sự kiện này, ngành du lịch Indonesia không thể đáp ứng yêu sách trên và công viên rồng Komodo rút khỏi danh sách bầu chọn. Nhưng trước áp lực của dư luận, NOWC vẫn duy trì công viên rồng Komodo trong danh sách chung kết.

Ước tính từ cuộc bầu chọn này, NOWC kiếm được lợi nhuận hơn 100 triệu USD từ những ngành du lịch tại các nước thế giới thứ ba mù mờ về giá trị của danh hiệu văn hóa-du lịch thế giới.

UNESCO phủ nhận sự liên quan
Sau bước đầu trợ giúp NOWC về tiêu chí lựa chọn ứng viên, UNESCO đã ra thông cáo khẳng định họ không liên quan gì đến “tổ chức tư nhân” NOWC. Kết quả bầu chọn của NOWC bị đánh giá là thiếu chính xác và không khoa học. Không có sự tương đồng giữa chiến dịch quảng bá của cá nhân ông Weber và các công trình khoa học về di sản thế giới của UNESCO. Danh sách “bảy kỳ quan mới” chỉ là kết quả của một cuộc bầu chọn do tổ chức tư nhân thực hiện, phản ánh ý kiến của những người truy cập vào Internet chứ không đại diện cho cả thế giới.

Bùi Tấn - Pháp luật TP.HCM

Cách thiết kế logo nhà hàng thành công

Logo nhà hàng cần thiết kế đơn giản, dễ nhận biết và tạo được sự khác biệt và truyền tải được ý tưởng của doanh nghiệp với các thực khách.

 

Nhà hàng của bạn được nhiều người biết đến thì phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng có hai yếu tố cơ bản đó là chất lượng món ăn và hình ảnh của nhà hàng trong mắt mọi người, nếu nhà hàng của bạn không có nhiều ngân sách truyền thông hay chưa có quảng cáo tiếp thị nổi bật thì logo, nhận diện thương hiệu chính yếu trong việc thu hút thực khách, thông qua đó truyền tải những sản phẩm và dịch vụ nhà hàng tạo hấp dẫn của món ăn và thu hút khách hàng vào dùng thử.