11/19/2011

KFC - Con đường thành công

Năm 1997, KFC Việt Nam mở nhà hàng thức ăn nhanh đầu tiên ở Việt Nam. Đến nay, sau 14 năm công ty đã có 100 nhà hàng tại 18 tỉnh thành trên cả nước. Theo kế hoạch, công ty sẽ mở thêm 100 nhà hàng từ nay đến năm 2015.

>> Bàn đạp thành công của chuỗi 1000 nhà hàng tỷ đô Chipotle


Câu chuyện về con số 7

Có mặt ở Việt Nam vào năm 1997, KFC Việt Nam liên tục đối mặt với những khó khăn. Thâm nhập vào một thị trường có nền văn hoá ẩm thực phong phú như Việt Nam đã là điều không dễ, lại khai trương vào thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, không lâu sau đó đại dịch SARS ập đến (năm 2003), rồi dịch cúm gia cầm xảy ra năm 2004 và 2005, trong suốt bảy năm sau khi mở nha fhàng đầu tiên, chuỗi thương hiệu thức ăn nhanh "Gà rán Kentucky" đã phải chịu lỗ. Trong năm năm đầu tiên, mỗi năm KFC chỉ mở được một nhà hàng. Nhưng vì sao lỗ liên tục bảy năm trời mà KFC lại không bỏ cuộc?


Ông Tony Chew, Chủ tịch Hội đồng thành viên KFC Việt Nam, ví von chuyện khai trương nhà hàng đầu tiên là việc "ươm mầm gieo hạt". Vì thế, dù chịu lỗ, nhưng "Ban giám đốc KFC Việt Nam quyết không bỏ cuộc", vì chiến lược lâu dài ở thị trường này. Đến nay, thực tế đã chứng minh chiến lược đó là đúng đắn, và hạt giống ngày nào đã trở thành một cây xanh, vững chắc, bén rễ vào thói quen ẩm thực của giới trẻ thị thành, và sẽ tiếp tục vươn tới những địa phương khác trong thời gian tới.

Sự thay đổi lớn của KFC Việt Nam diễn ra năm 2002, khi ông Pornchai Thuratum được điều giữ chức Tổng giám đốc. Ông đã mạnh tay cắt bỏ những chi phí không cần thiết, tinh gọn hệ thống quản trị, tổ chức đào tạo, huấn luyện nhân viên một cách bài bản. Cùng với đó là sự thay đổi chiến lược kinh doanh khi công ty chú trọng đến thị hiếu của khách hàng bằng các món ăn gần gũi với giới trẻ trong nước, xây dựng thương hiệu, đồng thời mở rộng độ bao phủ.

Từ chỗ chỉ có mặt tại các siệu thị, khu mua sắm, vốn chưa phát triển nhiều thời đó, đến năm 2003 KFC đã thuê những mặt bằng đẹp ở các khu phố sầm uất để mở nhà hàng. Mức giá cũng được điều chỉnh để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Các món ăn của công ty ngày càng đa dạng hơn, không chỉ dừng lại ở các món gà, mà còn mở rộng ra cả tôm, cá, những hương vị mới lạ... Cuối năm đó, doanh thu của KFC đã tăng lên, khoản lỗ đã giảm. Năm 2004, công ty mở thêm 11 nhà hàng, đánh dấu một khởi đầu mới: KFC có lãi.

Năm 2006, KFC đã mở rộng thị trường ra các tỉnh thành phía Bắc. Nhà hàng đầu tiên của công ty tại miền Bắc đã được khai trương ở Hà Nội tháng 6 năm đó. Người Hà Nội vốn quen thuộc với những món ăn truyền thống, họ khá chừng với những thương hiệu mới lại như KFC. Ngay cả chuyện huấn luyện đội ngũ bán hàng phục vụ khách cũng là điều không dễ, vì họ chưa quen với những phong cách đon đả và phục vụ khách hàng một cách nhiệt tình. Giới trẻ Hà Nội ban đầu dè dặt, sau tò mò, đến thử. Và thực khách đông dần, để chỉ bốn tháng sau, KFC mở thêm một nhà hàng nữa ở thủ đô. Đến nay, KFC Việt Nam đã có 25 nhà hàng ở Hà Nội, trong đó nhiều nhà hàng có doanh thu nằm ở top đầu.

Con đường phía trước

KFC Việt Nam có lãi đúng vào thời điểm bùng phát dịch cúm gia cầm. Trong khi giới kinh doanh thịt gia cầm điêu đứng, thì người tiêu dùng lại tìm đến các nhà hàng của KFC để tìm loại thức ăn ưa thích mà họ nghĩ là đảm bảo an toàn cho sức khoẻ. Nếu năm 2006 KFC chỉ mở được 8 nhà hàng thì năm sau đó con số tăng gấp đôi. Đến nay, 100 nhà hàng của KFC đã có mặt tại 18 tỉnh thành trên cả nước, mỗi năm phục vụ 20 triệu lượt khách.

Ông Thuratum cho biết theo kế hoạch, đến năm 2015 KFC sẽ có 200 nhà hàng. Tức là công ty sẽ mở 100 nhà hàng trong bốn năm tới, bằng công việc của 14 năm qua. Ông Thuratum cho rằng KFC Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó, khi dẫn đầu ngành thức ăn nhanh ở Việt Nam, chiếm đến 60% thị phần.

Trong ngành thức ăn nhanh, một số thương hiệu như Lotteria của Hàn Quốc, Jolibee của Philippiné hay VietMac của Việt Nam cũng lần lượt xuất hiẹn. Tuy nhiên, Ban giám đốc KFC Việt Nam cho biết "rất tự tin trong việc mở rộng thị trường".

Công ty đang có kế hoạch mở nhà hàng tại các độ thị loại II, vốn đang có tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, giới trẻ ở các vùng này đang muốn tìm đến những điều mới lạ, có phong cách phương Tây. "Nếu cách đây khoảng 6 năm, nhà hàng KFC ở Cần Thơ còn nhận được sự e dè của thực khách, thì mới đây, khi mở nhà hàng ở An Giang, chúng tôi đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt", ông Nam nói.

Ông Tony Chew cho rằng triết lý kinh doanh của công ty là luôn ủng hộ các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hàng năm, KFC Việt Nam tài trợ 500 suất học bổng cho học sinh miền Trung. Năm nay ông Tony Chew, đại diện KFC Việt Nam công bố tặng Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (STF) số tiền 100.000 đô la Mỹ để thực hiện chương trình "Học bổng dài hạn STF - KFC" cho sinh viên nghèo, hiếu học của các trường đại học trên cả nước có điều kiện đến trường. Đây có thể xem như một cách đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Ông Chew từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nước giải khát quốc tế IBC, nay là PepsiCo Việt Nam. Năm 1997, ông là người mang thương hiệu thức ăn nhanh gà rán Kentucky, KFC vào Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty KFC Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam, và là thành viên của Uỷ ban Hợp tác Việt Nam - Singapore.

Phi Tuấn - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

No comments:

Post a Comment