10/31/2011

Sẽ đóng cửa các nhà hàng trên mặt vịnh Hạ Long

Đối với nhà hàng trên mặt nước, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đơn vị chức năng không để phát sinh mới bất cứ trường hợp nào, đồng thời bãi bỏ ngay việc cấp phép các nhà hàng trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và các nhà hàng ở vùng sông nước trên địa bàn; xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động các nhà hàng trên mặt nước… 

 
Các nhà hàng trên vịnh Hạ Long sẽ bị di dời hoặc đóng cửa.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có phiên họp trực tuyến chỉ đạo các cấp, ngành về quản lý dịch vụ nhà bè, nhà hàng và dân cư làng chài trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Mới thấy, công việc trên hoàn toàn không dễ dàng khi cấp cơ sở buông lỏng quản lý từ rất nhiều năm nay…

Báo cáo mới nhất của Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho thấy: Hiện có gần 1.500 nhà bè với trên 4.800 nhân khẩu tập trung chủ yếu tại các khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Đây là hoạt động tự phát, có quá trình hình thành phát triển từ rất lâu. Do sự phát triển quá "nóng", quá nhanh, kèm theo là hiện tượng bùng nổ dân số, cư dân trên vịnh nay đã gần nửa vạn người; phần đông không đăng ký HKTT, không chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền và đáng lo ngại nhất - những mặt tích cực do hoạt động này đem lại không thể lấn át được mặt tiêu cực do nó gây ra.

Sự tùy tiện về kích cỡ, quy mô, "đẳng cấp" của các nhà bè, nhà hàng, nhà thuyền, tùy tiện trong sản xuất, khai thác, kinh doanh, tổ chức dịch vụ đang phá vỡ sự cân bằng, tính hài hòa của những giá trị tự nhiên vùng di sản thế giới. Thêm vào đó, trật tự ATGT trên biển, đường thủy nội địa, vệ sinh môi trường biển, ngày càng có diễn biến xấu. Trong khi đó, vai trò quản lý của các cấp, ngành vừa thiếu vừa yếu, không có sự đồng nhất, công tác xử lý vi phạm tại những khu vực này còn nặng tính hình thức, theo đợt, theo kỳ, không đủ sức mạnh để lập lại trật tự kỷ cương bằng công cụ pháp lý, quản lý hành chính. Được biết, từ năm 2008, tỉnh Quảng Ninh đã giao các địa phương liên quan trực tiếp chỉ đạo giải quyết theo hướng quy hoạch, di dời và sắp xếp lại các điểm với tiêu chí an toàn, trật tự, không phá vỡ cảnh quan, bảo đảm vệ sinh môi trường, ANTT duy trì tốt…

TP Hạ Long, nơi được coi là nhiều nhất về nhà bè, nhà hàng nổi và cư dân trên biển cũng đã triển khai khá nhiều biện pháp. Song, kết quả không như mong muốn. Nhà bè, nhà hàng không chịu di dời, thay vào đó là các quyết định di dời mốc giờ "G" của cơ quan chức năng. Đó cũng là tình trạng chung của các địa phương còn lại như thị xã Cẩm Phả, huyện đảo Vân Đồn. Theo thống kê, sau nhiều năm thực hiện quyết định của tỉnh về sắp xếp lại các điểm neo đậu nhà bè, nhà hàng, đến nay, riêng nhà bè mới chỉ có 353/649 trường hợp được di chuyển vào các điểm quy định.

Tại buổi làm việc trực tuyến vừa rồi, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương liên quan của Quảng Ninh đều nhất trí với chủ trương tăng cường quản lý, di dời, sắp xếp. Nhưng hầu hết đều nêu ra những lý do khách quan, chủ quan khiến các mặt công tác quản lý nhà bè, nhà hàng và cư dân trên biển chưa thực sự hiệu quả. Có thể thấy ngay nguyên nhân chính vẫn là do phương pháp chỉ đạo điều hành, công tác phối kết hợp, cộng quản của các cấp, ngành chưa tập trung cao.

Mặt khác, đây còn là vấn đề rất khó khăn, phức tạp, vượt quá thẩm quyền địa phương cơ sở. Chẳng hạn, Quảng Ninh chưa có quy chế chuẩn về quản lý cư dân trên mặt biển. Một bộ máy chính quyền hoạt động trên biển sẽ hoạt động như thế nào là điều mà địa phương chưa thể hình dung. Mặt khác, chính sách cụ thể để chuyển người dân từ dưới nước lên bờ sinh sống, quỹ đất làm nhà ở, hỗ trợ cấp vốn để cư dân biển chuyển đổi nghề nghiệp sinh sống ổn định trên bờ chưa có đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế, dễ nói nhưng rất khó làm. Ngay cả việc mới di dời được già nửa nhà bè vào điểm quy hoạch (353/649 nhà bè) cũng chỉ là tạm ổn bước đầu. Muốn duy trì cần phải thiết đặt lại các tiêu chuẩn quản lý, chẳng hạn, nhà bè phải qua đăng ký, đăng kiểm, cấp biển số, đảm bảo đủ các tiêu chí kỹ thuật, an toàn, thẩm mỹ thì mới được cấp giấy phép hoạt động. Những vấn đề này sẽ thực hiện ra sao, khi mà cơ quan đăng kiểm, ngành GTVT không thể tìm đâu ra các quy định về tiêu chuẩn nhà bè?

Trước các ý kiến, tham luận và kiến nghị nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Vũ Thị Thu Thủy cho rằng chủ trương sắp xếp, quy hoạch nhà bè, nhà hàng trên vùng vịnh Hạ Long là đúng và cần thiết. Để hạn chế một số bất cập ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương có biển, sông nước tiến hành ngay công tác kiểm đếm phương tiện, đối tượng, sau đó phân loại cụ thể.

Đối với nhà hàng trên mặt nước, tỉnh yêu cầu đơn vị chức năng không để phát sinh mới bất cứ trường hợp nào, đồng thời bãi bỏ ngay việc cấp phép các nhà hàng trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và các nhà hàng ở vùng sông nước trên địa bàn; xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động các nhà hàng trên mặt nước, đồng thời đảm bảo vị trí neo đậu; đảm bảo an toàn cho người dân; giữ gìn cảnh quan môi trường nhằm phát triển kinh tế biển mang tính bền vững.

Sở GTVT có trách nhiệm tham mưu, đề xuất các biện pháp để triển khai công tác đăng ký, đăng kiểm các phương tiện và có lộ trình chấm dứt. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao Sở GTVT làm đầu mối cùng các địa phương nghiên cứu để đề xuất UBND tỉnh xây dựng tiêu chuẩn và giải pháp tạm thời trong việc cấp phép hoạt động cho các phương tiện.

Đối với làng chài, các địa phương cần tiến hành phân loại hợp lý đồng thời xây dựng phương án di dời lên bờ đảm bảo ổn định đời sống cho người dân và cảnh quan vùng vịnh. Bên cạnh đó, các địa phương không cho người dân ở các địa phương khác đến vùng biển do địa phương quản lý sinh sống bất hợp pháp. Về nuôi trồng thủy hải sản nhằm phát triển kinh tế biển, các địa phương cần tiến hành xây dựng, quy hoạch chi tiết theo vùng và vị trí.

Lê Minh Triết - CAND

No comments:

Post a Comment