10/18/2011

Mua chung, lợi hay thiệt ?

Trong hai năm trở lại đây, hình thức mua chung thông qua các trang bán hàng giảm giá trực tuyến đã thu hút hàng triệu lượt khách hàng tham gia. Tuy nhiên, hình thức thương mại này còn nhiều hạn chế, nhất là chưa tạo được niềm tin cho khách hàng.

Phiếu mua chung giảm giá tại các nhà hàng lẩu băng chuyền được nhiều người đăng ký.

Bùng nổ mạng lưới mua chung

Dù chỉ mới xâm nhập vào thị trường nước ta một vài năm nay, hình thức mua chung (Groupon) đã phát triển mạnh với sự ra đời của hơn 20 trang web như Muachung.vn, VNdoan.com, Nhommua.com, Cungmua.com, Deal.zing.vn, Hotdeal.vn..., hoạt động chủ yếu tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng. Ðây là hình thức một nhóm người cùng đặt mua một loại sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua một công ty trung gian (thường là các trang website) trong một khoảng thời gian nhất định để được giá ưu đãi.
Mức giảm giá các sản phẩm thường từ 30% đến 60%, một số sản phẩm có thể giảm giá đến 97%. Các mặt hàng được rao bán rất phong phú như: các tua du lịch, khóa học, thời trang, suất ăn, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp... Theo thống kê tại trang muachung.vn, tổng hàng hóa trị giá gần 121 tỷ đồng đã được bán thông qua hình thức này và tổng số tiền khách hàng đã tiết kiệm được là hơn 62 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, một trang web có ít nhất một dịch vụ hoặc sản phẩm mới được chào bán. Không ít người đã hình thành thói quen "rình" voucher để không bỏ lỡ những cơ hội hấp dẫn. Chị Nguyễn Thu Thủy (phố Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Từ khi biết đến loại hình mua chung, hầu như ngày nào tôi cũng phải vào các trang đó một lượt xem có sản phẩm gì hay, giảm giá nhiều để mua. Chị em cùng văn phòng cũng hay rủ nhau mua phiếu ăn để đi liên hoan chung, rất tiết kiệm".

Khách hàng muốn mua chung phải thực hiện các thủ tục đăng ký mua, đến khi đủ số người cần thiết sẽ được công ty trung gian cung cấp các voucher (giấy chứng từ bảo đảm đã mua hàng) rồi thanh toán với công ty trung gian qua nhiều hình thức như bằng tiền mặt, thẻ mua hàng (do công ty trung gian phát hành), hoặc qua thẻ ATM... Khách hàng mang các voucher này đến địa chỉ bán sẽ được hưởng dịch vụ, sản phẩm đó. Với cách mua này, khách hàng được hưởng mức giá ưu đãi, tiết kiệm thời gian đi lại, được tìm hiểu nhiều thông tin về hàng hóa qua công ty trung gian... Chỉ xét riêng mức giá giảm mạnh đã đủ hấp dẫn nhiều người, nhất là giới sinh viên và nhân viên văn phòng, trong thời điểm nhiều mặt hàng tăng giá như hiện nay. Với những món hàng hấp dẫn, nhiều người có nhu cầu, việc bán hàng trăm voucher chỉ diễn ra trong vài giờ và nhanh chóng được treo biển "cháy hàng". Thí dụ như phiếu giải trí tại công viên thiên đường Bảo Sơn với mức giảm 57% tại trang Nhommua.com, chỉ trong gần sáu ngày đã có 5.000 người đặt mua.

Nhiều hình thức biến tướng

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, hình thức mua hàng này gặp không ít lời chê trách của khách hàng. Trên các trang web, nhiều khách hàng phàn nàn về sự chậm trễ khi giao voucher. Dù theo quy định, các voucher được giao trong vòng 48 giờ sau khi khách hàng đặt mua nhưng sự chậm trễ vẫn thường xảy ra. Phía công ty trung gian giải thích rằng, do lượng khách đặt quá đông trong một khoảng thời gian ngắn, cho nên nhân viên giao phiếu không phục vụ kịp. Bên cạnh đó, thái độ phục vụ khách hàng của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũng khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Anh Lê Vũ Dương (ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Một lần tôi mua hai voucher tại một nhà hàng lẩu. Khi mới đến nhà hàng, nhân viên khá niềm nở mời chào, nhưng khi mình đưa voucher ra thì họ thay đổi hẳn thái độ, phục vụ hời hợt, đồ ăn thì lèo tèo, không giống như hình ảnh đăng trên trang web". Anh Hoàng Linh (30 tuổi, ở phố Lò Ðúc, quận Hai Bà Trưng) bức xúc kể lại: "Tôi mua phiếu spa giảm giá. Họ yêu cầu gọi điện hẹn đặt lịch trước. Tôi gọi và họ hẹn hai tuần sau mới đến lượt vì cửa hàng đông khách. Nhưng một người bạn của tôi có đến đó thì kể lại, cửa hàng vắng tanh, nhân viên nhiều người ngồi chơi". Chưa kể nhiều sản phẩm, dịch vụ còn bị đẩy giá lên cao, nên sau khi giảm giá vẫn tương đương hoặc chỉ giảm một ít so với giá trị thực của sản phẩm. Một số khách hàng cho rằng, đây là một "chiêu" lừa người tiêu dùng, để hút khách của các doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng.

Phía công ty trung gian cho biết, trước khi bán voucher cho khách hàng, nhân viên đã đi thực tế, khảo sát chất lượng dịch vụ và giá cả để đem lại cho khách hàng thông tin chân thực nhất. Tuy nhiên, việc kiểm soát các dịch vụ của bên cung cấp là rất khó đối với công ty trung gian. Thêm nữa, không ít công ty trung gian muốn có thêm nhiều đối tác nên đã "nhắm mắt làm ngơ" và dễ dãi trong quá trình làm việc với doanh nghiệp. Người bị thiệt hại trước tiên là khách hàng. Nhưng về lâu dài, điều này lại ảnh hưởng đến chính là uy tín của trang web và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Dù đây là một hình thức thương mại tiên tiến, hiện đại, nhiều ưu điểm và là xu thế phát triển tất yếu, nhưng nếu không giữ được niềm tin ở khách hàng thì khó phát triển bền vững, lâu dài. Do đó, trong quá trình giao dịch, cả phía doanh nghiệp, công ty trung gian và khách hàng phải cân bằng được quyền lợi giữa các bên. Về phía khách hàng, khi tham gia giao dịch hãy lựa chọn đơn vị cung cấp có uy tín, đọc kỹ các quy định, quyền lợi và hạn chế khi tham gia chương trình. Doanh nghiệp phải tôn trọng khách hàng và phục vụ khách hàng theo những điều khoản đã cam kết. Nếu có những yếu tố sai phạm thì rất cần sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý.

THU TRANG - Nhân dân

No comments:

Post a Comment