4/01/2012

“Kỳ quan Hạ Long” oằn lưng chịu phí?

Sáng 30/3, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổ chức New7Wonders đã công bố vịnh Hạ Long chính thức là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Điều người dân Việt Nam quan tâm là những loại phí mà người sử dụng “kỳ quan Hạ Long” phải trả bắt đầu từ tháng 4/2012.

Ngay sau khi cuộc bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới thế giới kết thúc, một thông tin được khá nhiều người quan tâm là Tổ chức New Open World (Thụy Sĩ) nhận được bao nhiêu tiền từ số lượng 24 triệu tin nhắn của người dân Việt Nam. Ước tính với 630 đồng/tin nhắn, sau khi trừ thuế 30 đồng/tin, tổ chức này thu về khoảng 15 tỉ đồng.

Gắn thêm logo, thêm phí sử dụng

Theo ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VH-TT&DL), các nhà tài trợ thương mại hai buổi lễ đón nhận danh hiệu sắp được tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh sẽ phải trả một phần phí bản quyền cho New Open World Corporation (NOWC) theo tỉ lệ thỏa thuận với nhau, có thể 15%-30%. Toàn bộ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà sản xuất đồ lưu niệm... muốn gắn logo N7W phải trả phí bản quyền cho NOWC. Cụ thể phí như thế nào thì các bên sẽ đàm phán với nhau, Bộ VH-TT&DL không có chức năng can thiệp vào việc tính phí.

Sau danh hiệu là... loạn phí
 
Trong khi việc tính phí của NOWC là chắc chắn và chưa rõ mức cụ thể, trên trang web goseewrite.com, chuyên gia du lịch quốc tế Michael Hodson cảnh báo: “Bernard Weber (người khởi xướng dự án - PV) mượn danh nghĩa “một tổ chức phi lợi nhuận” để kiếm lợi nhuận thông qua những công ty trung gian, từ các nước có cơ quan quản lý du lịch háo danh. Một khi thắng cảnh của nước bạn “lỡ” được trao danh hiệu “kỳ quan thiên nhiên thế giới mới”, chắc chắn NOWC sẽ đòi hàng triệu USD phí bản quyền sử dụng logo của họ. Nhưng có khi vì há miệng mắc quai, tổn thất thật sự sẽ không được nói ra vì lý do sĩ diện”.

Hơn 100 triệu USD từ kinh doanh danh hiệu

Chỉ một tháng sau khi công bố danh hiệu “bảy kỳ quan mới”, NOWC đã cử luật sư đàm phán về quyền sử dụng danh hiệu này với các danh thắng được bầu chọn. Dễ hiểu là tại sao không có ban quản lý “kỳ quan mới” nào như Đấu trường La Mã (Ý), đền Taj Mahal (Ấn Độ), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc)... đề cập đến việc giành chiến thắng “bảy kỳ quan mới” trên trang web của họ.

Vì vậy mà NOWC phải bày ra sân chơi mới là “bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới” để tìm khách hàng. Thoạt đầu công ty này thu phí niêm yết ứng viên “bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới” khá mềm: 200 USD.

Ngành du lịch Indonesia tiết lộ rằng NOWC đòi chi 10 triệu USD phí cấp phép, cộng thêm 47 triệu USD để tổ chức đêm chung kết, công bố kết quả và bảo đảm công viên rồng Komodo được bình chọn là một trong “bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới”. Vì chỉ có ngân sách khoảng 944.000 USD để quảng bá cho sự kiện này, ngành du lịch Indonesia không thể đáp ứng yêu sách trên và công viên rồng Komodo rút khỏi danh sách bầu chọn. Nhưng trước áp lực của dư luận, NOWC vẫn duy trì công viên rồng Komodo trong danh sách chung kết.

Ước tính từ cuộc bầu chọn này, NOWC kiếm được lợi nhuận hơn 100 triệu USD từ những ngành du lịch tại các nước thế giới thứ ba mù mờ về giá trị của danh hiệu văn hóa-du lịch thế giới.

UNESCO phủ nhận sự liên quan
Sau bước đầu trợ giúp NOWC về tiêu chí lựa chọn ứng viên, UNESCO đã ra thông cáo khẳng định họ không liên quan gì đến “tổ chức tư nhân” NOWC. Kết quả bầu chọn của NOWC bị đánh giá là thiếu chính xác và không khoa học. Không có sự tương đồng giữa chiến dịch quảng bá của cá nhân ông Weber và các công trình khoa học về di sản thế giới của UNESCO. Danh sách “bảy kỳ quan mới” chỉ là kết quả của một cuộc bầu chọn do tổ chức tư nhân thực hiện, phản ánh ý kiến của những người truy cập vào Internet chứ không đại diện cho cả thế giới.

Bùi Tấn - Pháp luật TP.HCM

No comments:

Post a Comment