4/02/2012

Ngành dịch vụ ngấm khủng hoảng: Nhà hàng ế khách

LTS: Năm 2011 nền kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp: Nợ công châu Âu, suy thoái tại Hoa Kỳ. Sự tác động này tiếp tục kéo sang năm 2012, chỉ mới 3 tháng đầu đã có hàng loạt DN trong nước phá sản, giải thể, nhiều DN nằm trong tình trạng "chết lâm sàng". Cùng chung số phận là các ngành dịch vụ như nhà hàng, văn phòng cho thuê, du lịch...

“Cái thời kinh doanh nhà hàng “một vốn bốn lời”, khách nườm nượp đi ăn tới khuya, nhân viên tất tả phục vụ mới đó mà như quá xa. Chúng tôi đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại, tặng thưởng nhưng số lượng khách đến nhà hàng ngày một vắng” - quản lý một nhà hàng lớn ở TPHCM ta thán.

Đìu hiu, vắng vẻ

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn cùng với những tác động của việc tăng giá điện, gas, xăng dầu gần đây dẫn đến vật giá leo thang đánh trực tiếp vào hầu bao của người dân. Có lẽ vì vậy nhiều người đã lên những kế hoạch tiết giảm chi tiêu và một trong những biện pháp là bớt lui tới những nhà hàng.

Tại nhà hàng YASHI (quận 3), anh Hoàng Tiến, một cổ đông của nhà hàng, chia sẻ: “Nhà hàng chúng tôi đi theo hướng thiết kế sang trọng mang phong cách Hàn Quốc với nhiều món đặc sản nướng, lúc đầu thu hút một lượng khách quen nhất định.

Tuy nhiên, gần đây thực khách giảm nhiều, kể cả những buổi tối cuối tuần. Trong khi đó, các chi phí trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, nguyên vật liệu ngày càng tăng cao. Nguồn tài chính thu được không đủ bù lỗ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ráng cầm cự, duy trì kinh doanh và hy vọng thời gian tới sẽ bớt khó khăn, tình hình khả quan trở lại”.

Tương tự, anh Nguyễn Minh Hà, quản lý Nhà hàng hải sản Phú Khang (quận 10), cũng cho biết: “Lượng khách đến nhà hàng giảm mạnh so với cách đây 6 tháng. Buổi tối vào giờ cao điểm nhà hàng chỉ có khoảng chừng 200 lượt khách. Số vốn đầu tư, tiền thuê mặt bằng cùng nhiều chi phí khác lên đến hàng tỷ đồng trong khi số tiền thu được rất hạn hẹp”.

Anh Hà dẫn chúng tôi tham quan nhà hàng để cảm nhận được hình ảnh cười nói rộn rã, tiếng cụng ly chúc mừng hay nhỏ to tỉ tê tâm sự chật kín phòng đã thưa thớt và ít náo nhiệt hơn trước nhiều.

Anh Nguyễn Phước Tâm, Giám đốc điều hành nhà hàng Zenta (Mạc Đĩnh Chi, quận 3) cho biết: “Lượng khách đến nhà hàng gần đây giảm khoảng 20%. Sụt giảm mạnh về doanh số nên chúng tôi phải tạm ngưng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị để cân đối khoản thu chi. Tùy tình hình kinh doanh của nhà hàng, chúng tôi sẽ thực hiện các chương trình khuyến mại chứ không điều chỉnh về giá cả thực đơn”.

Nhưng cũng có người không trụ nổi với tình hình khó khăn nên bỏ cuộc. Chị Hoài, chủ nhà hàng Việt Xưa (quận 3) đã sang lại mặt bằng, chấp nhận thua lỗ vì phải rút tiền túi ra bù lỗ hàng tháng. Nhiều chủ đầu tư có dự định mở nhà hàng cho biết đang suy tính cẩn trọng, đồng thời chờ thông tin ấm lên của thị trường mới tiếp tục nhằm tránh rủi ro.

Chia sẻ cùng khách hàng

Người Việt Nam rất sành ăn và việc đi ăn nhà hàng dường như thành một nét văn hóa ở các đô thị. Dù phải tiết giảm đi ăn nhà hàng nhưng đây vẫn là nơi thích hợp nhất tổ chức các buổi tiệc, họp mặt, gặp gỡ đối tác đối với nhiều người. Những nhà hàng có thương hiệu vẫn là điểm đến mỗi khi có nhu cầu của các nhóm thực khách quen thuộc.

Đối với Nhà hàng Việt Phố (49 Lê Quý Đôn), anh Hoàng Vũ - quản lý nhà hàng, cho biết: “Việt Phố được xây dựng cách đây gần chục năm nên lượng khách ở đây tương đối ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng khách cũng có giảm. Để chia sẻ khó khăn cùng thực khách, chúng tôi vẫn giữ mức giá thực đơn ổn định. Điểm nổi bật của nhà hàng để thu hút thực khách mới, giữ chân thực khách cũ chính là việc nướng hải sản công khai để khách nhìn tận mắt rất hấp dẫn, đảm bảo vệ sinh chất lượng".

Một nhà hàng lớn trong cảnh vắng vẻ, ít khách.
 
Anh Tại Gia Tuấn, Giám đốc điều hành Nhà hàng F&B-Cát Đằng (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) chia sẻ: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn nhà hàng cũng không phải ngoại lệ, số lượng và mức chi tiêu của khách khi đến nhà hàng chúng tôi giảm, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên giá, chất lượng món ăn để chia sẻ với khách hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai nhiều chương trình khuyến mại, gói sản phẩm hợp lý để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Hy vọng những chia sẻ trên được khách hàng cảm thông, tiếp tục ủng hộ nhà hàng”.

Khác với các ngành kinh doanh sản xuất khác, kinh doanh ẩm thực gắn liền với thương hiệu, địa điểm và mặt bằng. Theo anh Hà, quản lý Nhà hàng Phú Khang, mở nhà hàng là công việc vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính kỹ thuật.

Nhà hàng mọc lên như nấm nếu chọn sai địa điểm, quảng cáo, khuyến mại không đúng đối tượng, chi phí điều hành cao... đều có thể dẫn đến thất bại. Kinh doanh nhà hàng có thể có thời điểm khó khăn, chựng lại hoặc thua lỗ nhưng nếu nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của thực khách, cùng với chiến lược kinh doanh sáng tạo phù hợp vẫn thu hút được khách hàng cụ thể, từ đó trụ vững.

“Phú Khang thu hút thực khách bằng những chương trình kinh doanh như hạ giá thực đơn vào ban ngày 5% cho tất cả khách hàng, phát 1.000 phiếu giảm giá 10% cho tổng hóa đơn… Hy vọng những chiến lược được triển khai sẽ giúp nhà hàng bám trụ qua thời kỳ khó khăn và phát triển về sau” - anh Khang cho biết.

Thanh Vy - Yến Nhi/ Sài Gòn Đầu tư Tài chính

No comments:

Post a Comment