2/26/2012

Đâu rồi vịt cỏ Vân Đình

Giờ về Vân Đình đỏ mắt cũng không tìm được chú vịt cỏ lội đồng nào, thay vào đó là vịt bầu nuôi công nghiệp. 

Vịt công nghiệp “hô biến” thành vịt cỏ

Nằm trên tuyến đường Hà Đông đi chùa Hương, địa danh Vân Đình thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội vốn nổi tiếng với “thường hiệu” vịt cỏ. Bất kỳ thời điểm nào trong năm đi qua thị trấn này, chúng ta đều bắt gặp nhan nhản nhà hàng trưng biển “vịt cỏ Vân Đình” mọc lên hai bên đường với đủ món chế biến – nào tiết canh, luộc, rang, nướng, om sấu...

Những chú vịt căng tròn, béo ngậy được kẹp trong vỉ nướng nghi ngút khói, toả mùi thơm lừng, kèm theo lời mời mọc chèo kéo ngọt lịm của chủ quán, khiến khách đường xa không nỡ bỏ qua cơ hội dừng chân thưởng thức món ăn vịt cỏ “đặc sản” – mà như dân gian truyền lại, không nơi nào có được vịt ngon như thế.

Trong vai người tìm nguồn vịt cỏ Vân Đình “chính hiệu” để mở cửa hàng, chúng tôi về thị trấn Vân Đình. Thế nhưng, câu trả lời đầu tiên và duy nhất của chính người dân nơi đây là: “Làm gì còn vịt cỏ đâu các chú, ở Vân Đình có ai nuôi vịt cỏ nữa đâu”… khiến chúng tôi không khỏi giật mình.

Khách hàng bị đánh lừa bằng những biển quảng cáo như thế này
 
Vừa rót nước mời khách đường xa, chị chủ quán nước ở ngã ba thị trấn Vân Đình - Phương Tú nói: “Tôi đố các chú tìm được ở đây có nhà nào nuôi vịt cỏ đấy. Biển thì cứ trưng lên là vịt cỏ Vân Đình, nhưng toàn vịt nuôi công nghiệp”, nói rồi chị cười chua chát: “Vịt cỏ giờ đã đi vào dĩ vãng rồi”. Mấy người đàn ông ngồi kế đó góp chuyện: “Giờ tìm được vịt cỏ chẳng khác nào tìm kim đáy bể, đến nhiều người gốc Vân Đình còn chẳng biết đến hương vị vịt cỏ ra sao nữa là…”.

Đem thắc mắc về chuyện nuôi vịt cỏ, chúng tôi hỏi ông Vương Văn Việt, Phó Bí thư Đảng uỷ thị trấn Vân Đình, ông Việt cười xuề xoà: “Toàn vịt nuôi nơi khác họ mang về đấy. Khu vực này còn nhà nào nuôi vịt cỏ đâu. Ở đây có nhà hàng bán ra mỗi ngày hàng trăm, hàng nghìn con nhưng đâu có phải vịt cỏ Vân Đình”. Nói rồi ông xua tay từ chối trả lời chúng tôi về việc duy trì và phát triển nguồn vịt quý của địa phương, vốn xưa nay gắn với địa danh Vân Đình.

Quả thực, khi đem câu hỏi “Ở đây nhà nào nuôi vịt cỏ” đi hỏi bất cứ người dân nào ở thị trấn Vân Đình và vùng lân cận, đều nhận được câu trả lời là những cái lắc đầu. Vậy ở đâu ra những món “vịt cỏ” đặc sản nằm trên đĩa thực khách, vốn xưa nay được kinh doanh không những ở Vân Đình, mà món “ẩm thực Hà Thành” này đã có trong thực đơn của rất nhiều nhà hàng khắp trong Nam ngoài Bắc?

Trở trăn với vịt...

Chúng tôi tìm đến trại vịt của anh Dương Văn Bốn, một trong những nông dân hiếm hoi của thị trấn Vân Đình còn giữ được “nghề” chăn nuôi vịt. Chỉ tay phía đàn vịt hơn 1.000 con đang bơi trắng xoá dưới ao, anh Bốn kể, nhà anh có “truyền thống” về chăn nuôi gia cầm. Khoảng hơn 10 năm về trước, dân địa phương chủ yếu nuôi vịt cỏ. Nhưng giống vịt này không năng suất nên sau đó chuyển sang nuôi vịt bầu cánh trắng cho giá trị kinh tế cao hơn, nuôi nhanh lớn hơn.

Anh Bốn bên đàn vịt bầu với nỗi lo dịch cúm gia cầm, khi không được
sự quan tâm của chính quyền địa phương.

“Vịt cỏ nuôi phải 70 ngày mới bán được, mà mỗi con chỉ được khoảng 1,5 kg, chăm tốt mới được 1,7 – 1,8 kg; còn vịt bầu cánh trắng chỉ mất từ 50 – 55 ngày trong khi mỗi con được 2,5 – 3 kg. Bên cạnh đó, vịt bầu cánh trắng đẻ được hơn 1 năm, lượng trứng đều hơn; còn vịt cỏ chỉ được 5 tháng”, anh Bốn nói.

Nhắc tới “vịt cỏ”, anh Bốn trầm ngâm: “Ngày trước nhà tôi nuôi vịt cỏ nhiều lắm, nhưng cũng phải chạy theo kinh tế mà từ bỏ, kể cũng tiếc. Giờ người ra cứ lợi dụng cái tên vịt cỏ để kiếm lời, chứ quán ăn toàn vịt bầu ăn cám công nghiệp cả đấy!”.

Theo người dân nơi đây, vịt cỏ có đặc tính lội đồng kiếm ăn, chỉ ăn côn trùng và thóc nên thịt chắc và thơm, chứ không béo ngậy và nhiều mỡ như vịt nuôi cám công nghiệp. Thế nhưng, giờ đi qua những cánh đồng của Vân Đình, Tảo Dương Văn, Phương Tú… (huyện Ứng Hòa) dễ dàng nhận thấy chẳng có bóng dáng chú “vịt lội đồng” nào, mà chỉ có thấp thoáng những trại vịt bầu cánh trắng được nhốt và nuôi tập trung ở ao ven đồng.

Những chú vịt bầu cánh trắng này sẽ "biến" thành vịt cỏ khi lên bàn nhậu

Lão nông Đặng Văn Thức, ở thôn Hậu Xá, xã Phương Tú cho biết, trại vịt của ông hiện có hơn 2.000 con bầu cánh trắng và ông là một trong những người nuôi nhiều vịt nhiều nhất ở khu vực. Những năm 90 của thế kỷ trước, ông nuôi vịt cỏ là chủ yếu. Ấy thế nhưng loài vịt này chỉ có lợi cho người kinh doanh mà không mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân. Ông Thức kể, nuôi vịt cỏ vừa lâu, vừa tốn nguồn thức ăn mà mỗi con chỉ được 1,5kg, lại bị ép giá nên lãi chẳng đáng là bao. Giờ chuyển sang nuôi bầu cánh trắng, bán theo giá trị trường, mỗi đàn cũng lãi được hơn 10 triệu đồng.

“Mỗi cân vịt bầu bán cho đại lý giá 90.000 – 100.000 đồng/kg, thế nhưng ở Vân Đình họ rao là vịt cỏ và bán tới 170.000 – 190.000 đồng/kg cơ đấy. Thế nên dù vịt gì thì nhà hàng cũng lãi, chỉ thiệt người ăn và người nuôi thôi”, ông Thức cho biết. “Họ phải trưng biển vịt cỏ mới có người ăn chứ nói vịt bầu chắc chẳng ai ngó tới” – lão nông cười.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, nếu được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ bà con “phục hồi” lại vịt cỏ, ông có ủng hộ không? Ông Thức ngậm ngùi: “Gen vịt cỏ vẫn còn, nhưng chẳng ai nuôi đâu vì không kinh tế. Chúng tôi cũng muốn vay vốn ngân hàng nhưng khó lắm. Nếu được chính quyền đầu tư, chúng tôi sẵn sàng. Tuy nhiên, nuôi vịt rủi ro cao, nên ít nhà đầu tư lớn mà chỉ nuôi vài trăm con. Không may dính dịch cúm thì lỗ. Ở đây đã có người phải bán nhà trả nợ vì vịt đấy. Với lại đồng ruộng, sông hồ giờ ô nhiễm rồi, muốn phát triển vịt cỏ cũng không dễ”./.

Lại Thìn-Lê Vũ/VOVonline

No comments:

Post a Comment