1/10/2012

Không phải đặc sản rừng nào cũng sạch!

Những năm gần đây, khi mà dưới thành thị ăn cái gì người ta cũng sợ bẩn thì các loại thực phẩm có nguồn gốc từ vùng cao được lên ngôi. Càng gần Tết Nguyên đán các đặc sản vùng cao càng được ưa chuộng, nhưng cũng chính vì cái tâm lý coi cái gì ở vùng cao cũng… sạch đã làm không ít “thượng đế” mắc lỡm, thậm chí là tiền mất tật mang…

99% thịt thú rừng khô là... thịt bò!

Lò thịt sấy khô của ông Nguyễn Văn Nhuận ở phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội. Món truyền thống của ông là thịt sấy khô và hun khói các loại. Cái đặc biệt làm nên thương hiệu của thịt sấy và hun khói ở Điện Biên Phủ khác với các nơi khác và cũng làm cho nó “dậy mùi” chính là được tẩm ướp bằng các loại hương liệu của đại ngàn, trong đó mắc khén, hạt dổi là những thứ không thể thiếu. Ngoài ra để thịt thơm ngon, bảo quản được lâu thì còn cần một số hương liệu khác nhưng chỉ chủ lò mới biết.

Theo như ông Nhuận cho biết, trung bình mỗi tháng, ông xuất về Hà Nội 500kg thịt sấy khô các loại, phổ biến là trâu, bò sấy khô và thịt lợn hun khói, 2 tháng cao điểm trước Tết Nguyên đán, ông xuất từ 1 đến 1,2 tấn hàng. Theo như lời ông nói, để cho một kilogam thịt khô thì cần từ 3 đến 3,5kg thịt tươi ngon. Khách hàng của ông đều là khách ruột từ cả chục năm nay nên ông làm rất cẩn thận, không thể vì lợi nhuận mà lấy thịt ôi, thiu hay kém chất lượng.

Tuy nhiên, dạo quanh thị trường thịt sấy khô ở Tây Bắc không phải lò thịt nào cũng đảm bảo như của ông Nhuận, đâu đó vẫn có tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”. Du khách lên Điện Biên dạo quanh các khu chợ của TP Điện Biên Phủ vào dịp gần Tết có thể hoa mắt với các loại thịt sấy khô, hun khói các loại. Mọi người thường được mời mua thịt thú rừng, phổ biến là thịt nai, thịt sơn dương và lợn rừng khô. Ở chợ đầu cầu Mường Thanh thi thoảng vẫn xuất hiện những mẹt bán thịt thú rừng của các cô, các chị vận bộ đồ dân tộc.

Tôi cúi xuống nhặt mấy cục thịt đen sì, trông chẳng khác gì que củi nhưng lại được quảng cáo là thịt nai, đưa lên mũi thì chỉ thấy khen khét và cay nồng mùi ớt và mắc khén thì được hét đến 800 ngàn/kg. Giá thì đúng là… trên trời nhưng chất lượng thì được cô bán hàng tung tẩy bằng cái giọng tiếng Kinh lơ lớ: “Tiền nào của đấy, anh ăn… hàng của em là biết liền”!?

Thịt thú rừng được bày bán ở một chợ cóc tại huyện Điện Biên (ảnh chụp ngày 6/1)

Lê Văn Mạnh - một doanh nhân ngày Xây dựng, nhưng là người sành ăn và cũng có thêm cái nghề tay trái là gom hàng đặc sản cho các “thượng đế” dùng để biếu sếp nhân dịp lễ tết ở Hà Nội cho biết, cách nhận biết thịt sấy ngon hay dở thì chỉ có thử trực tiếp. Khi xé hoặc tách miếng thịt ra (thịt khô hình thức đẹp hay xấu là do sự khéo tay của người làm) thớ thịt đỏ au, ăn dai và ngọt, đặc biệt là không bở nát thì chắc chắn sản phẩm được làm từ thịt tươi, sạch.

Còn thịt sấy được quảng cáo là thịt rừng vẫn được bày bán ngoài chợ thì sao? Mạnh cười khùng khục cho biết: “Theo như tôi nắm được thì có đến 99% nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội đang treo đầu nai bán thịt bò, khách hàng đang ăn thịt trâu khô chứ không phải thú rừng như quảng cáo. Kiếm đâu ra, ngay giữa đất Mường Then này tìm đỏ mắt cũng không kiếm được thịt nai khô đâu. Rừng trọc lông lốc, kiếm chồn, cáo còn khó huống hồ là nai, hoẵng!?”.

Cẩn thận kẻo tiền mất tật mang

Các sản phẩm vùng cao vẫn được coi là đặc sản được các “thượng đế” thành thị ưa chuộng là: thịt sấy các loại, rượu ngâm các loại cây cỏ, con vật, thịt tươi trong đó có cả thịt lợn bản (lợn cắp nách), lợn rừng, nai, hoẵng… Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Điện Biên Phủ hiện có hơn 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thịt sấy khô. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 cơ sở được cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Trong thực tế còn nhiều hộ, nhất là các hộ kinh doanh bằng nghề giết mổ cũng tham gia vào thị trường béo bở này. Chưa kể hầu như các bản vùng cao, năm hết Tết đến thì như một tập quán các gia đình đều ít nhiều làm vài cân thịt khô để ăn trong mấy ngày Tết, và ăn không hết thì họ đem ra chợ bán cũng là chuyện bình thường.

Quản lý chất lượng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt sấy khô là một công việc khó khăn? BS Nguyễn Đức Phúc, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Điện Biên cho biết, thời gian qua dù cố gắng nhưng vẫn còn tình trạng bị buông lỏng. Bởi hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ. Cơ quan chức năng cũng chưa lấy mẫu về kiểm nghiệm để đưa ra kết luận chính thức. Thịt trâu, thịt bò, thịt lợn sấy khô thường không sử dụng các loại phụ gia bảo quản, nhưng người tiêu dùng cần cảnh giác với những chiêu quảng cáo thịt thú rừng sấy khô, hầu hết là hàng… giả cầy.

BS Phúc cũng khuyến cáo, Tết Nguyên đán là dịp gia tăng các bệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân hãy tự bảo vệ mình bằng quan sát bằng mắt và chỉ nên lấy hàng ở các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ và được các cơ quan chức năng cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh.

BS Nguyễn Đức Phúc, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Điện Biên: Tâm lý của người dân là cứ tưởng ăn thịt thú rừng là sạch. Nhưng trong thực tế, những con thú hoang dã có thể có rất nhiều bệnh vì nó không được phòng dịch, chữa bệnh như các gia súc nuôi nhốt, chăn thả. Ở Điện Biên đã từng có vụ ngộ độc bởi ăn tiết canh lợn rừng hay ăn nậm pịa (dịch của ruột non) dê núi…

Vũ Mạnh Hà -Theo CAND


No comments:

Post a Comment