Nhà hàng phục vụ món ăn Việt Nam của Việt kiểu ở Bangkok. |
Trong số các món ăn có tiếng đó có nem nướng (người Thái gọi là naem nuong), nem cuốn (poh pia), tôm bao mía (goong phan oy), bánh xèo (khanom bueang yuan) đang hiện diện tại khá nhiều địa danh thuộc Bangkok, Chiang Mai, Phuket... của xứ "chùa Vàng."
Sự xuất hiện quán ăn Việt trên đất Thái một phần cũng vì đây là mảnh đất hội tụ nhiều nền văn hóa, kể cả văn hóa ẩm thực, và người Việt Nam sang đây du lịch ngày càng nhiều. Song có lẽ không ở đâu mà món ăn Việt lại được cả người bản quốc và Việt kiều yêu thích như ở Thái Lan, nơi Việt kiều mở khá nhiều nhà hàng. Người Thái thích món ăn Việt Nam vì ngon và tốt cho sức khỏe, trong đó việc thưởng thức nhiều loại rau sống là một điểm đặc sắc của món ăn và cũng là yếu tố không thể thiếu, khiến thức ăn Việt Nam được nhận sự ưa thích ở đây.
Theo phụ san tuần Spectrum của tờ Bưu điện Bangkok, lúc đầu số nhà hàng phục vụ các món ăn của Việt Nam ở Băngcốc chưa nhiều, trước khi nhiều cửa hàng ăn đưa bánh xèo, nem rán và nem cuốn vào trong thực đơn đa dạng của họ. Các món ăn Việt Nam đã lan tỏa từ những cộng đồng người Việt vốn di cư sang Thái Lan tới nhiều tỉnh, thành ở nước này.
Có mặt từ những năm đầu của triều đại Ratanakosin và đến đời Vua Rama III, người Việt được Hoàng gia Thái Lan cho phép lập một cộng đồng mà người Thái gọi là Ban Yuan Sam Sen (Làng người Việt ở Sam Sen), Băngcốc. Cộng đồng quần tụ quanh khu vực kéo dài từ đường Sam Sen đến bờ sông Chao Phraya, gần Tòa nhà Chính phủ và Quốc hội Thái Lan. Tại đó có một chợ bán nhiều loại thực phẩm Việt Nam và nhà thờ mang tên thánh Phrancis Xavier, thu hút đông người Thái gốc Việt (còn gọi là người Việt cũ) đến thăm vào dịp cuối tuần.
Dù nay có nhiều người rời đó đến sống ở nơi khác trong thành phố, song họ vẫn gắn bó với nhau bởi tôn giáo và văn hóa và sáng chủ nhật họ thường trở về đó để đi lễ, gặp người thân và những người hàng xóm của họ. Họ hay đi mua thực phẩm và đồ ăn có thể dùng tại chỗ hay đưa về nhà cho người thân nên vào buổi sáng chủ nhật, khu vực Sam Sen và lân cận sống động hơn.
Quanh khu nhà thờ có nhiều quầy hàng bán đặc sản Việt Nam như giò chả, nem nướng, bánh cuốn, bánh tráng (đa nem), cà phê Trung Nguyên. Để làm món bánh cuốn, nước hòa bột gạo được đổ lên mảnh vải căng trên miệng nồi hấp chín bằng nước sôi, với nhân gồm nhiều gia vị trong đó có hành tươi và thịt lợn băm nhỏ chấm với nước mắm pha chế theo phong cách Việt. Món này ăn ngon và chỉ có thể tìm thấy nhiều ở các vùng khác tại miền đông bắc của Thái Lan, nhất là khu vực dọc sông Mekong.
Qua các chuyến công tác ở địa bàn trong hơn 3 năm qua, phóng viên TTXVN tại Thái Lan quan sát thấy nhiều món ăn Việt được bày bán tại các nhà hàng và chợ ở miền đông bắc xứ "chùa Vàng" như giò chả, bánh chưng, nem nướng, có thể thưởng thức với dưa chuột cắt nhỏ, chuối xanh, dứa, khế, tỏi, ớt sau khi cuốn lại rồi chấm với tương có chút đường và dấm ăn nhẹ nhàng ngon miệng. Trở nên phổ biến và được ưa chuộng từ lâu, giò chả của nước ta được người Thái gọi là "mủ dò" ("mủ” nghĩa là thịt heo, trong khi từ còn lại thì mượn theo cách phát âm gần giống tiếng Việt). Người dân địa phương ưa thích món ăn này bởi có hương vị ngon đậm đà, giá thành không cao mà dễ bảo quản, và được dùng làm thành phần nguyên liệu trong nhiều món ăn phổ biến của người Thái.
Gia đình ông Vũ Mạnh Hùng và nhiều gia đình khác ở Udon Thani, Nong Khai, Ubon Ratchathani và một số tỉnh có đông Việt kiều sinh sống là những người có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ nét văn hóa quê hương, góp phần giúp quảng bá và làm nổi danh thêm món ăn truyền thống đặc trưng của Việt Nam tại xứ người. Phở Việt cũng có mặt ở miền đông bắc và Bangkok, nhưng hương vị không giống lắm và không thơm ngon bằng phở tại Hà Nội.
Kinh doanh món Việt đang là nghề nuôi sống nhiều gia đình Việt Nam qua nhiều thế hệ trên đất Thái, vốn di cư qua xứ "chùa Vàng" từ những năm Pháp thuộc và mang theo cả ký ức về món Việt vốn rất đơn sơ của thời kỳ đó. Món bánh xèo Việt Nam được làm với lớp bột chiên vàng tạo thành một vỏ bao mỏng đẹp mắt, nhân có thịt lợn băm, hành, giá đậu. Người Thái cũng học theo cách làm này nhưng cho thêm nhiều thứ khác vị mặn, ngọt, cay, với cả dừa và lạc và cũng ăn cùng với rau diếp hay xà lách.
Chị Piyakul Suwansumrit, có tên tiếng Việt là Tuyết và là thành viên của Hội văn hóa Thái-Việt tại Bangkok, cho biết ý tưởng kinh doanh món ăn quê hương của chị xuất phát từ nhu cầu được thưởng thức món Việt. Cũng như nhiều người sống xa quê, chị Piyakul luôn nhớ và thèm hương vị của những món ăn Việt Nam. Những năm trước, tìm được nhà hàng Việt Nam trên đất Thái khó lắm, chưa nói tới việc khi đến những quán ấy mà chỉ thấy những món ăn chẳng có vị Việt Nam chút nào.
Theo chị Payikul, việc kinh doanh nhà hàng nói chung quả là một thách thức đối với Việt kiều tại Thái Lan, mảnh đất hội tụ nhiều nền văn hóa kể cả văn hóa ẩm thực nên có rất nhiều nhà hàng kinh doanh đủ loại món ăn trên thế giới. Tuy nhiên, món Việt là một sản phẩm đặc thù mà nếu không phải là người Việt kinh doanh thì không dễ thành công. Cách thức của chị là làm sao để món Việt thu hút đông khách hàng ưa chuộng. Khi lượng khách chính của nhà hàng là người Thái hoặc người nước khác muốn thưởng thức món Việt, các nhà hàng đôi khi phải thay đổi khẩu vị và cải tiến phần nào để phù hợp hơn với thực khách.
Nhưng dù hương vị xưa hay mới, nhà hàng có khẩu vị thuần Việt trên đất Thái vẫn là một nét văn hóa ẩm thực rất đáng ghi nhận. Nhiều món ẩm thực của người Việt bán ở Sam Sen và các tỉnh đông bắc gây cảm hứng bất ngờ đủ để những ai có chút tò mò ẩm thực không phải ca thán vì đã mất công đến đó, với những người khó tính và sành ăn nhất cũng ít khi phải thất vọng khi một lần ghé thăm./.
Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)
No comments:
Post a Comment