3/29/2012

Hồn Việt trên đất Triệu Voi

Tại thủ đô Vientiane của nước bạn Lào không khó để tìm thấy những quán cơm Việt Nam. Đi đến đâu trên đất Triệu Voi cũng thấy hồn Việt phảng phất trong tiếng nói, hơi thở lẫn nhịp sống nơi đây

Vientiane đang đô thị hóa mạnh mẽ. Kể từ SEA Games 26 năm 2009 đến nay, Vientiane thay da đổi thịt từng ngày. Chuyện sinh kế trên đất Lào đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Nhạc Trịnh ở Vientiane

Trước cửa khách sạn New Laos Paris nằm trên một con phố trung tâm ở Vientiane có một nghệ sĩ thường ôm đàn guitar hát các bản tình ca của Trịnh Công Sơn. Anh bảo anh là người Lào chính gốc vì gia đình anh đã sống ở đây ba thế hệ. Vậy nhưng chàng nghệ sĩ này vẫn khoe rằng anh có một cái tên Việt Nam. “Tôi tên là Nguyễn Văn Tuấn.

Cái tên do ông nội tôi, một người Quảng Bình di cư sang Lào từ lúc rất nhỏ rồi lấy vợ, sinh con ở đây đặt cho cháu nội. Cứ gọi tôi là Tuấn guitar cũng được”, anh tự hào khoe dòng máu Việt Nam trong mình. Những người bạn Lào của Tuấn gọi anh bằng cái tên Manosone hay một cái tên rất tây- Louis- vì nghệ sĩ này không chỉ hát hay mà còn rất rành tiếng Pháp. “Tiếng Việt và tiếng Pháp của tôi đều do ông nội dạy từ khi còn bé. Sau này khi trưởng thành tôi có nhiều người bạn Việt Nam nên có thể nói tốt tiếng Việt”- anh kể.

Quán cơm của bà Mai với những món ăn thuần Việt luôn được nhiều người Việt và người Lào tìm tới

Ngay cạnh khách sạn New Laos Paris mà chúng tôi trú chân có quán bánh mì của ông Trần Anh Dũng quê ở Nam Định. Hành trình định cư ở Vientiane của ông là một câu chuyện dài. “Từ quê nhà Nam Định tôi vào TPHCM sau giải phóng miền Nam để rồi đầu những năm 1990 cả gia đình tôi chuyển sang đây làm ăn sinh sống”. Hơn 20 năm ở nước bạn, hai chữ quê hương với ông Dũng còn rất sâu nặng. “Quê cha đất tổ, họ hàng bà con của tôi vẫn còn nhiều ở Nam Định. Cứ vài năm tôi lại đưa cả đại gia đình về thăm quê”- ông kể.

Điều trùng hợp ngẫu nhiên là căn nhà được bài trí rất thuần Việt của ông Dũng cũng luôn vang lên những ca khúc nhạc Trịnh. Ông bảo: “Không gì làm tôi nhớ quê hương như nhạc Trịnh nhưng cũng không gì giúp tôi đỡ nhớ quê bằng nhạc Trịnh”.

Chuyện sinh kế

Ở Vientiane, nhiều người biết quán cơm của bà Mai nằm trên đường Khunboulom, một Việt kiều đã định cư ở Lào gần 50 năm nay. Bà Mai có quán cơm Việt Nam thuộc vào loại lớn nhất Vientiane. Bà kể tình yêu với các món ăn Việt Nam mà bà có được là nhờ thừa hưởng từ người mẹ tảo tần và rất giỏi nấu nướng của bà. “Tôi sang Lào từ năm chưa tới 10 tuổi. Ký ức về quê hương trong tôi luôn rõ ràng phần lớn là nhờ những món ăn của mẹ”- bà bồi hồi nhớ lại.

Nửa thế kỷ sống ở Lào, bà Mai nói: “Người Lào rất quý mến và có một tình cảm đặc biệt với người Việt. Tuy nhiên, Lào đang mở cửa đón đầu tư nên người Trung Quốc, Hàn Quốc cũng ngày càng đông đảo”. Bà cho biết dự định mở rộng quy mô nhà hàng cơm Việt Nam của bà trên khu đất bà đã thắng thầu ở cửa ngõ thủ đô Vientiane giờ đây đang gặp không ít trở ngại vì đang có nhiều người “nhòm ngó”. Dù vậy, ước mơ lớn nhất của bà là một ngày nào đó sẽ làm cho ẩm thực Việt thăng hoa trên đất Lào.

Ở thành phố Phonsavan, thủ phủ tỉnh Xieng Khuang, nhiều người hay lui tới quán cà phê Crates của một ông chủ người Việt. Quán này nằm đối diện trung tâm rà phá bom mìn khẩn cấp ở Xieng Khuang. Đặt ngay bên ngoài quán là hàng chục quả bom đã được tháo kíp nổ, bên trong quán được trang trí bởi các loại bom bi, vũ khí sát thương, vỏ đạn… Anh Thành, chủ quán, nói: “Xieng Khuang là nơi còn nhiều bom mìn sót lại nhất trên đất Lào. Ý tưởng mở quán cà phê “bom mìn” xuất hiện ngay khi tôi tới đây và nhìn thấy những hậu quả còn sót lại của chiến tranh. Cà phê “bom mìn” là cách để nhắc nhở mọi người về điều đó”.

Nếu ông chủ cà phê “bom mìn” nổi tiếng ở Phonsavan vì ý tưởng kinh doanh độc đáo thì tại cố đô Luang Phrabang, thành phố di sản của Lào, quán “Đặc sản thịt dê” của anh Vinh là địa chỉ quen thuộc của dân sành nhậu xa quê. Anh Vinh, quê Nghệ An, đã sang Lào làm ăn hơn 15 năm nay. Tiếng Lào của Vinh giờ còn tốt hơn tiếng Việt nhưng món thịt dê thì vẫn giữ được chất như thời mới sang.

Tấp nập sang Lào

Con đường ngắn nhất để đi từ Hà Nội sang thủ đô Lào là qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo của tỉnh Hà Tĩnh. Mấy năm nay cửa khẩu này trở thành một trong những nơi giao thương nhộn nhịp nhất là khi cảng nước sâu Vũng Áng của Hà Tĩnh đang dần định hình một khu kinh tế trọng điểm ở Bắc miền Trung. Rồi đây các loại hàng hóa, nông sản của Lào sẽ tìm đường ra biển từ cảng nước sâu này.
Nếu như 5 năm về trước mỗi tuần chỉ có 2- 3 chuyến xe nối thủ đô Hà Nội với thủ đô Vientiane thì nay có hàng chục chuyến xe mỗi ngày chạy thẳng từ Hà Nội sang Vientiane, Luang Phrabang hay Phonsavan. Mới đầu năm, tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn của tỉnh Nghệ An, các đoàn xe từ Việt Nam đã nối đuôi nhau xuất cảnh qua biên giới sang Lào. Anh Nguyễn Văn Lâm ở TP Vinh đang làm xây dựng ở Vientiane nói với chúng tôi: “Người Việt làm ăn sinh sống tại Lào có cảm giác như được sống ở trên chính quê hương mình vậy”.

“Thương hiệu” Việt

Ở TP Phonsavan, hai nhân viên của Unitel (thương hiệu của Viettel tại Lào) là Nguyễn Quỳnh và Phan Thanh Hưng đưa chúng tôi đến thăm “đại bản doanh” của Unitel tại Xieng Khuang. Ở Lào, Unitel giờ đã trở thành mạng viễn thông có số lượng thuê bao đông đảo nhất. Trên 1 triệu thuê bao sau gần 3 năm hoạt động, đó là con số ấn tượng và có thể coi là thần kỳ của mạng di động này. Nguyễn Quỳnh, Phó Giám đốc kỹ thuật của Unitel Xieng Khuang, cho biết chi nhánh của Unitel giờ đã có mặt tới tận tuyến huyện ở Lào.

Cách đây 3 năm, khi lần đầu tiên đặt chân sang đất Triệu Voi, chúng tôi thấy thương hiệu Việt còn khá ít nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác trước. Các cây xăng của PV Oil, Petrolimex… đang mọc lên như nấm ở những TP lớn của Lào, những ngân hàng BIDV, Sacombank đều đã hiện diện trên những con phố chính ở Vientiane.


MẠNH DUY - Người Lao động

No comments:

Post a Comment