12/27/2011

Thực hư bò Kobe?

Câu chuyện về món đặc sản thịt bò Kobe cũng được thêu dệt chẳng khác gì món ăn của Từ Hi Thái Hậu. Nếu như bà hoàng phụ chính có những món ăn cỡ “sâm thử”, “tượng tinh”, “phương chi thảo”… đầy ly kỳ thì thịt bò Kobe cũng chẳng kém gì. Nào bò nghe nhạc Mozart, massage thư giãn hay uống bia, dù không quá quý hiếm nhưng món thịt này cũng chỉ dành cho những bữa ăn đặc biệt sang trọng và cầu kỳ…

Văn phòng Hiệp hội quốc gia Hiệp hội Hợp tác Nông nghiệp, đơn vị quản lý bò Kobe


Cơ quan quản lý thịt bò Kobe - Nhật Bản trả lời về nguồn gốc thịt bò Kobe

Không thể không nói là may mắn khi chúng tôi được gặp ông Hisanobu Matsuo, văn phòng Hiệp hội quốc gia Hiệp hội Hợp tác Nông nghiệp, đơn vị quản lý bò Kobe. Câu chuyện của ông dù không ly kỳ như những gì được nghe nhưng bò Kobe vẫn thực sự kích thích trí tưởng tượng của người nghe dù chỉ bằng những con số.

Mỗi con bò được quản lý nghiêm ngặt từ đời “ông, bà” cho đến đời con cháu theo mã số, để khi cần người ta có thể truy xuất nguồn gốc, người nuôi, ngày giết mổ… Mỗi ký thịt bò bán ngoài thị trường đều có “mã số” để khi nhà hàng chế biến phải trình được cho thực khác “mã số” này để dễ dàng kiểm tra.

Bạn cứ tưởng tượng một đất nước có nền nông nghiệp phát triển như Nhật bản, nơi người ta có thể nhân giống nhiều loại động vật quý hiếm, mà giống bò Kobe vẫn vô cùng hiếm. Bạn lại thử suy nghĩ khi người dân sống ngay ở huyện Hyogo – “rốn bò Kobe”, không phải ai cũng được ăn thứ thịt quý giá này.

Ông Matsuo giải thích: “Giống bò thuần chủng chỉ có tại Hyogo. Con bò từ khi sinh ra đến khi giết mổ được một ủy ban quản lý chặt chẽ. Bò không được sinh sản bừa bãi, thậm chí có giống không cho sinh sản. Có giống chỉ có duy nhất 12 con và người ta giữ giống bằng tinh đông lạnh. Mỗi con bò có một giấy quản lý phức tạp: số, vân mũi, tên bố mẹ, ông bà nội ngoại… Thịt xẻ ra cũng được đánh giá theo 12 tiêu chí, đánh số từ 1 đến 12, và phải từ thứ 6 trở lên mới được xếp là thịt bò Kobe”.

Không hẳn bò được nghe nhạc Mozart hay uống bia không phải vì cầu kỳ mà vì quá cầu kỳ. Đơn giản là uống bia lung tung hay nghe nhạc nhiều có thể… ảnh hưởng đến tâm lý, trọng lượng con bò!

Vì vậy, chúng có nghe nhạc, có uống bia hay được massage nhưng theo định kỳ hoặc khi bị ốm. Thức ăn không có gì đặc biệt ngoài thứ cỏ chỉ mọc ở những ngọn núi Hyogo… Tuy nhiên, quy trình nuôi ngặt nghèo đã đẩy giá một con bò con khỏang 580 triệu yên. (1 yên = 216 VND)

Chính phủ Nhật có đạo luật quản lý những giá trị quý hiếm, trong đó có bò Kobe. Chỉ có 200 cửa hàng bán thịt bò Kobe trên toàn quốc, riêng Kobe đã chiếm một nửa số này. “Bò Kobe không được xuất khẩu nên tất nhiên những cửa hàng bán thịt bò Kobe tại nhiều nơi trên thế giới là không xác thực”, ông Matsuo khẳng định.

Tất nhiên, để minh họa cho những gì mình nói, chúng tôi cũng được thăm lò giết mổ bò Kobe. Thật sự, đây giống như một trung tâm đấu giá hơn là nơi giết mổ.

Một nhóm khoảng 8 chuyên gia sẽ kiểm tra chi tiết để đánh giá từng con bò được mổ, từ màu sắc, thớ thịt, độ dày mỏng của da… để phân loại để đón dấu “thịt bò Kobe”, khá nhiều con bò trong số này bị loại không đủ tiêu chuẩn. Ba con bò trong số này được trao giải để bán đấu giá.

Một góc phòng ăn của Kiber Plasir
Đây là nơi chủ yếu để quảng bá thứ thịt bò quý giá của địa phương. Bếp trưởng nhà hàng là ông Atsuzawa, vừa khoe mới phục vụ cho hoàng tử Dubai, vừa chế biến món bò trước mặt thực khách đến từ Việt Nam. Tất nhiên, trước khi chế biến, ông có cho mọi người xem giấy chứng nhận của miếng thịt bò. Giấy chứng nhận như số imei trên mỗi chiếc điện thoại để thực khách có thể kiểm tra tính chính xác trên internet.

Thịt bò Kobe tại nhà hàng Kiber Plasir

Nhóm bốn người chia nhau 100 gram thịt bò, sắt ra những miếng nhỉnh hơn hạt lựu. Những ai hiểu rõ về văn hóa ẩm thực Nhật Bản đều biết rằng người Nhật nổi tiếng là khó tính trong việc chế biến và thưởng thức các món ăn. Những món ăn tại nhà hàng cũng vậy, không bao giờ được chế biến đồng loạt sẵn từ trước mà khi có khách gọi đầu bếp mới bắt đầu làm. Các món ăn đều được chế biến riêng cho từng người với liều lượng định sẵn.

Điểm đặc biệt và làm nên sự nổi tiếng của loại thịt bò Kobe đó chính là những lớp mỡ nến xen kẽ những thớ thịt đỏ tươi trông giống như những bông hoa tuyết. Theo giới thiệu của bếp trưởng, cái ngon của thịt bò Kobe là ở chỗ nạc và mỡ đã trộn lẫn với nhau theo tỷ lệ chuẩn, rất tốt cho sức khỏe. Thịt bò Kobe tạo ra chất omega rất lớn, đó là chất thuộc họ các axit béo chưa bão hòa rất tốt cho sức khỏe.


Cũng theo giới thiệu, thì loại thịt này bổ sung vitamin và khoáng chất có tác dụng bổ máu, bồi bổ sau một ngày làm việc căng thẳng, đẹp da, phục hồi sức khỏe nhanh chóng và giảm stress. Còn khi ăn, miếng thịt ngọt ấm, giòn, có thể ăn kiểu nướng, lẩu hoặc tái… ăn kèm với các loại nấm kim châm, nấm bào ngư, nấm hải sản với đậu phụ Nhật…

Người Nhật rất chuộng sự “khô ráo”- Sappari - khi thưởng thức món ăn, nghĩa là hạn chế tối đa lượng mỡ thừa, và thịt bò Kobe đạt tiêu chuẩn tuyệt đối cho yêu cầu này. Người ăn thịt bò Kobe chẳng những không thấy đầy bụng mà sự mệt mỏi, bực bội như tan biến đi, tinh thần sảng khoái gấp bội…

Người Nhật vẫn luôn tự hào về nền văn hóa ẩm thực đầy truyền thống với những món ăn và nghệ thuật trang trí ẩm thực mà chỉ ở Nhật bản mới có. Cũng như trà đạo, hay sushi, sashimi…, sự cầu kỳ và quý hiếm cũng như nghệ thuật chế biến mới thực sự là thứ đem lại cho thực khách sự trải nghiệm cả 5 giác quan khi thưởng thức những món ăn chế biến từ thịt bò Kobe...

Đó là khi ăn thực khách cảm nhận được sự tri ân cuộc sống, lòng tôn kính vạn vật và nhận trân những giá trị sống đích thực, ăn để thấy lòng thanh thản và yên tĩnh hơn…

Xã luận

No comments:

Post a Comment