12/13/2011

Gà nướng, pizza Mỹ... muốn vào VN

Các thương hiệu nhà hàng, thức ăn có tiếng của Mỹ như Johnny Rockets, Denny’s, Applebees’s... đã có cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp VN để tìm đường mở rộng sự hiện diện của họ tại đây.

Cuộc đổ bộ của những thương hiệu nhà hàng, thức ăn nhanh tên tuổi của Mỹ vào VN sắp tới thông qua con đường nhượng quyền được dự báo sẽ làm cho thị trường tiêu dùng VN thêm phần sôi động.

Khi đại gia Mỹ “nhòm ngó” VN

Một phái đoàn nhượng quyền gồm 10 doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến VN để xúc tiến tìm kiếm cơ hội hợp tác với gần 40 doanh nghiệp VN, đúng vào tuần lễ Mỹ và VN kỷ niệm 10 năm ký kết Hiệp định thương mại song phương đầu tuần tháng 12-2011. Chín trong 10 doanh nghiệp đó đều là những thương hiệu nhà hàng, ẩm thực, muốn bán nhượng quyền vào VN.

Tự tin về những thông tin thu thập được, ông J.Marc Mushkin, phó giám đốc bộ phận quốc tế của thương hiệu gà nướng Pollo Tropical, cho rằng VN là một trong những quốc gia tiêu thụ thịt gà cao trên thế giới. Khác với các món gà phổ biến của thương hiệu Mỹ đang hiện diện tại VN, ông J.Marc Mushkin nói gà của Pollo Tropical đều sử dụng phương pháp nướng chín của vùng Miami, khách hàng có thể tự chọn loại xốt ưa thích. “Chúng tôi đã có mặt ở tám quốc gia, nhưng VN chính là quốc gia châu Á đầu tiên được nhắm đến vì tiềm năng hấp dẫn của đất nước đông dân này”, ông Mushkin cho biết.

Trong những thương hiệu Mỹ tìm hiểu ở thị trường VN lần này, có mặt thương hiệu pizza Round Table Pizza. Chuỗi nhà hàng pizza của Mỹ vừa hoàn thành các thủ tục nhượng quyền với Tập đoàn Mesa Group để có mặt tại VN trong quý 1-2012. Cơ hội được thương hiệu này tận dụng khi nhìn thấy sự phát triển nhanh chóng của những cửa hàng thức ăn nhanh ở VN. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn mà Round Table Pizza đưa ra khá khó khăn, như yêu cầu bên nhận nhượng quyền phải nhập toàn bộ nguyên liệu của họ, toàn bộ nhân viên bên Mỹ sang huấn luyện... Dự kiến Round Table Pizza sẽ phát triển chuỗi 20 cửa hàng trong thời gian tới.

Trong khi đó đại diện Tập đoàn Focus Brands sở hữu các thương hiệu Carvel’s, Cinnabon, Moe’s Southwest Grill... với kinh nghiệm nhượng quyền trên 40 quốc gia, 3.300 cửa hàng cũng cho biết đối tác nhận nhượng quyền sẽ được hỗ trợ tối đa để đảm bảo kinh doanh có lời, chỉ cần họ đảm bảo những mặt bằng đẹp và đang kinh doanh trong ngành thực phẩm. “Applebees’s là kiểu nhà hàng vừa phục vụ ăn uống vừa có nhạc giải trí. Khách cảm nhận sự thoải mái trên những chiếc ghế nệm êm, rộng rãi. Mô hình này sẽ đem đến không gian mới lạ cho thực khách VN” - ông Phil Crimmins, phụ trách bộ phận quốc tế của Applebees’s, vui vẻ nói.

Cần đối tác lớn


Với vai trò là người “mai mối”, ông Scott Lehr, phó chủ tịch bộ phận phát triển quốc tế của Tổ chức Nhượng quyền thương mại quốc tế, cho biết nền kinh tế Mỹ gặp ít nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Mỹ muốn phát triển thương hiệu và công việc kinh doanh của mình, đặc biệt là vươn xa khỏi nước Mỹ. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất và châu Á, trong đó có VN, là sự lựa chọn mà doanh nghiệp Mỹ mở rộng mạng lưới cửa hàng trên toàn cầu của mình.

Thương mại Việt - Mỹ đạt 20 tỉ USD

Theo Đại sứ quán Mỹ tại VN, trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định thương mại song phương giữa Mỹ và VN có hiệu lực, hiện thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 1,5 tỉ USD lên 20 tỉ USD. Hiện Mỹ là quốc gia nhập siêu của thị trường VN với các sản phẩm chủ lực như dệt may, giày dép, nông sản...
Hầu hết doanh nghiệp tìm hiểu thị trường VN lần này đều có cái nhìn khá lạc quan với thị trường VN. Ông Phil Crimmins cho rằng để đàm phán thành công một hợp đồng nhượng quyền và đưa vào thực tế với sự xuất hiện các nhà hàng phải mất ít nhất 1-2 năm. Nhưng những cuộc gặp gỡ này giúp thiết lập các mối quan hệ, sự tin cậy. Quan trọng là chúng ta tạo được mối quan hệ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải gặp thách thức về giá. Ông Scott cho biết giá những món ăn từ các nhà hàng này sẽ không rẻ, nhưng nếu người tiêu dùng muốn mua một sản phẩm thương hiệu toàn cầu, họ cũng dễ chấp nhận một mức giá quốc tế đó. “Cách đây 15 năm khi vào thị trường Trung Quốc, nhiều thương hiệu Mỹ cũng gặp những phản ứng như thế. Nhưng giờ đây mọi thứ hoàn toàn khác, chúng ta cần thời gian”, ông Scott nói.

Theo ông Trần Tịnh Minh Triết, CEO của Công ty tư vấn nhượng quyền Best Fortune, 90% các phi vụ nhượng quyền tại VN đều rơi vào ngành nhà hàng, kinh doanh ẩm thực, tỉ lệ thành công của nhượng quyền lĩnh vực này cao hơn so với các lĩnh vực khác như bán lẻ, giáo dục... Ông Triết cho biết các doanh nghiệp Mỹ thường đòi hỏi đối tác năng lực tài chính vững, có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ mua nhượng quyền, hiểu thị trường trong nước. “Doanh nghiệp Mỹ không nhắm đến các công ty vừa và nhỏ, mức đầu tư cho những vụ nhượng quyền từ vài trăm ngàn USD đến cả triệu USD”, ông Triết nói.

NHƯ BÌNH - Tuổi Trẻ

No comments:

Post a Comment