1/17/2012

10 Kinh nghiệm hay cho nhà hàng khi tham gia Facebook: Phần 2


Tất cả mọi người đều phải ăn, trong số đó có 700 triệu người tham gia Facebook. Tất nhiên có rất nhiều nhà hàng đã tham gia mạng xã hội lớn nhất thế giới này, mặc dù số lượng đáng lẽ phải nhiều hơn. Mashable đã phỏng vấn nhiều “ngôi sao” trên mạng xã hội làm trong ngành khách sạn, nhà hàng về những kinh nghiệm hay nên dùng trên Facebook.

>> 10 Kinh nghiệm hay cho nhà hàng khi tham gia Facebook - Phần 1

6. Chia sẻ các bài viết về mình

Bạn đã rất nỗ lực để nhận được những đánh giá tốt và khiến khách hàng viết trên blog về nhà hàng của mình. Hãy tiếp tục và chia sẻ nó với “cả thế giới”. Điều này cũng sẽ tránh cho bạn bị đánh giá là “quảng cáo quá nhiều”. Được nhiều người biết đến sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều khách hàng hơn, và nó sẽ lan toả rất nhanh miễn là món ăn của bạn vẫn ngon và dịch vụ vẫn được duy trì tốt.


Nhà hàng Graham Elliot thường xuyên chia sẻ với mọi người những bài báo về mình, nó giúp họ thể hiện nhà hàng được rất nhiều người nói tới, đồng thời khoe khéo về những sự kiện thú vị họ đã làm như là nhà tổ chức bữa tiệc tại Festival âm nhạc Lollapalooza.

7. Nhất quán


Hãy chắc chắn rằng người phụ trách truyền thông trên mạng xã hội cũng hiểu rõ về các món ăn, dịch vụ của nhà hàng. Bạn không muốn khách hàng nhận được câu trả lời trên Facebook và nghe một câu chuyện khác hẳn khi tới nhà hàng. Thật khó để duy trì sự thông suốt về thông tin – đặc biệt nếu là một chuỗi nhà hàng, nhưng việc đảm bảo thông tin công bố luôn chính xác và nhất quán dù ở bất kỳ đâu là rất quan trọng. Việc không nhất quán sẽ khiến khách hàng bối rối và tức giận, nhiều khi có cảm giác họ như “bị lừa”.

8. Đừng "cho" quá nhiều


Trong khi cửa hàng xe đạp hay xe hơi thường là loại hình kinh doanh chỉ “bán một lần” (một người cần bao nhiều cái xe đạp hay xe hơi?), nhà hàng là một kiểu đặc biệt trong đó khách hàng có thể đến mua hàng ngày. Và trong khi mua theo nhóm hay hay giảm giá có thể là lý tưởng để tăng lượng người “Likes”, bạn sẽ không muốn phải cho đi quá nhiều.

Đợt khuyến mại mua một tặng một của Chipotle là một thành công lớn vì đã mang lại rất nhiều khách cho nhà hàng, nhưng họ cũng không mất quá nhiều vì với mỗi suất miễn phí có một suất trả tiền. Chỉ tặng miễn phí hay liên tục giảm giá ngày càng nhiều có thể ảnh hưởng bất lợi tới việc đánh giá của khách hàng về thương hiệu của bạn, khiến họ không muốn trả toàn bộ giá một khi đợt khuyến mại qua đi.

Một chương trình khuyến mại kiểu như “một lần trong tuần” sẽ không quá hào phóng – giống như chương trình Giảm giá 20% Ngày thứ Hai của Mermaid Inn – nó kéo khách hàng quay lại hết tuần này tới tuần khác mà không phải cho đi quá nhiều. Ngoài ra, bạn có thể tăng mức phổ biến của nhà hàng trên mạng xã hội bằng cách cung cấp một mã hay mật khẩu thông dụng trên Facebook mà khách hàng có thể đưa ra để giảm giá khi ăn ở nhà hàng.

Hãy thử nghiệm những thời điểm và mã khác nhau để tìm ra lúc nào kéo nhiều khách đến nhà hàng của bạn nhất. Bạn muốn dùng Facebook để tăng lượng truy cập và doanh số, nhưng để hiệu quả nhất bạn phải biết khi nào nhận được nhiều chú ý nhất từ khách hàng.

Nếu bạn đang tìm cách xây dựng lượng khách hàng trung thành, tăng lượng “Likes” và giữ khách hàng quay lại, đừng chỉ cho miễn phí. Việc tốt nhất nên làm là trả lời tất cả mọi người, nói chuyện với họ như bạn bè và thể hiện là bạn đánh giá cao họ. Với khách hàng, điều đó đáng giá hơn là một chiếc bánh sandwich miễn phí.

9. Tôn trọng và đánh giá cao nhân viên


Một công ty sẽ chỉ là con số không nếu thiếu những người tạo nên nó, và nhà hàng cũng tương tự như vậy – nó cần rất nhiều người để vận hành trơn tru mọi hoạt động. Khi một khách hàng nhận xét tốt trên Facebook, hãy gửi cho tất cả các nhân viên và nói với khách hàng bạn đã làm vậy – cả hai bên đều cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao.

Tuy nhiên, đôi lúc khách hàng viết về những ấn tượng xấu khi ăn ở nhà hàng, bạn cần khéo léo hơn. “Nếu ai đó phàn nàn về một nhân viên cụ thể hay nhà hàng, khi chưa tìm hiểu sự việc chính xác, hãy trao đổi với khách hàng bằng email hay điện thoại, đừng trao đổi ngay trên Facebook. Nhưng bạn cần nói cho khách hàng biết và lý do tại sao bạn lại làm vậy,” Stupp nói, và thêm rằng nhân viên của bạn có quyền được đối xử công bằng và không nên bị xem là “có lỗi trước công chúng cho đến khi sự việc được xác minh chính xác”. Hãy giải quyết mọi vấn đề, dù nhỏ hay lớn, xin lỗi đã làm cho khách hàng không hài lòng và thông báo cho khách hàng những bước bạn đang thực hiện để khắc phục sự việc – theo dõi sát sao tình hình chính là chìa khoá để bạn kéo khách hàng quay trở lại.

Nhân viên của bạn có lẽ cũng tham gia các mạng xã hội và là những đại sứ quan trọng cho nhà hàng của bạn. Hãy thể hiện bạn đánh giá cao họ và họ sẽ đánh giá cao công việc của mình hơn.

10. Tiếp cận khách hàng mục tiêu bằng Facebook Ads


Một chức năng mới của Facebook cho phép người quảng cáo tiếp cận khách hàng mục tiêu dựa trên mã bưu chính, có nghĩa là bạn có thể gửi quảng cáo đến những người sống trong vòng vài km xung quanh nhà hàng của bạn. Quảng cáo trên Facebook còn cho bạn nhiều lựa chọn khác và nó có thể là một cách hiệu quả để tăng lượng fan trên Facebook của bạn.

Theo Lauren Drell - Mashable

1/16/2012

Khám phá nhà hàng 'đậm chất Việt' trên thế giới

Nhà hàng Indochine khá nổi tiếng ở New York.
Món ăn Việt đơn giản mà độc đáo tại các nhà hàng sang trọng đang rất "hút hồn" thực khách bản địa.

Indochine Restaurant

Tọa lạc tại số 430 phố LaFayette (New York, Mỹ), nhà hàng Indochine khá nổi tiếng với bề dày 25 năm phục vụ khách.

"Những ai thích sự lãng mạn xưa sẽ rất yêu thích Indochine. Vẻ đẹp của Việt Nam những năm 30 của thế kỷ trước dường như lưu lại nơi đây với những ô cửa bằng gỗ, tranh thảm, mái hiên nhà hay những tác phẩm nghệ thuật châu Á. Nhà bếp kiểu mở mang đến những màn biểu diễn ẩm thực sống động của nhóm đầu bếp đến từ Việt Nam, đưa hương thơm món ăn tràn ngập khắp nhà hàng. Sự giao thoa giữa Đông và Tây không chỉ thể hiện ở món ăn của Indochine mà còn ở cả không gian, âm nhạc...", một tờ báo của Mỹ từng viết.

Indochine mang đậm phong cách Việt đặc trưng. Ngay cổng vào và quanh nhà được trang trí những cây cọ, tre, chuối... không chỉ gây lạ mắt với người Mỹ, mà còn thu hút sự chú ý đặc biệt của thực khách sắc tộc khác nhau; đồng thời giúp cộng đồng người Việt xa xứ tìm lại được nét quen thuộc quê nhà.

Khai trương vào năm 1984, nhà hàng phục vụ một thực đơn đa dạng gồm những món đặc sản Việt cùng với một list hàng trăm loại rượu vang hảo hạng của thế giới. Khách của nhà hàng cũng vô cùng đa dạng, ngoài những thương nhân và người lao động châu Á, còn có thể gặp được những ngôi sao trong các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau.

S Fine Dining

Ngay từ cái tên, S Fine Dining với chữ cái S - ngụ ý dải đất hình chữ S - đã cho thực khách cảm nhận "đây là nhà hàng rất Việt Nam" vì nội thất với tranh sơn dầu, tre xanh, gốm Bát Tràng… cùng đồ ăn, thức uống... đều đậm phong cách quê hương.
Nhà hàng S Fine Dining ở Westminter (Mỹ).

S Fine Dining nằm ở thành phố Westminter (bang California, Mỹ), được nữ bếp trưởng Stephanie Dinh, bà chủ nhà hàng, miêu tả bằng 6 từ: “hiện đại, truyền thống, độc đáo, đầy hương vị, đáng yêu và không thể nào quên”. Trong khi đó, Irene Virbila, phóng viên kỳ cựu tờ Los Angeles Times, nhận xét: "S là đại diện hoàn hảo cho ẩm thực Việt, là nơi thích hợp với thị hiếu ẩm thực của miền Nam California".

Nhà hàng phục vụ các món ăn, như: chả giò, chạo tôm, cá kho tộ, thịt kho trứng, ốc nhồi, cà ri cá với nước dừa (ăn với bánh mì), vịt nướng chao, bò lúc lắc và đặc sản ‘S’ xiên (bộ 3 gồm thịt bò ướp mè, gà ướp cà ri và tôm ướp tỏi). Ngoài ra, thực khách cũng có thể dùng món chay như phở, mì xào nếu đã ngán các bữa ăn thịt cá. Bánh phu thê là món tráng miệng rất tuyệt.

Không dừng ở đó, S Fine Dining còn là địa chỉ yêu thích cho những người "ghiền" cà phê Việt Nam.

Cafe Hà Nội

Tại góc phố giao nhau giữa phố Galway và phố Thương mại ở Auckland (New Zealand), trong một tòa nhà cổ kính từng là ngân hàng, nhà hàng Việt với tên gọi Cafe Hà Nội khai trương vào năm 2010, đã tạo ra được dấu ấn riêng của mình.

Theo quan sát của phóng viên Carroll du Chateau của tờ The New Zealand Herald, khung cảnh nơi đây, một mái hiên với ánh sáng đèn đường buổi tối chiếu qua các tấm rèm, in thành sọc trên trên bức tường được sơn thô của tòa nhà cũ đã gợi nhớ lại chuyến đến khách sạn Metropole ở Hà Nội nhiều năm về trước.

Nhà hàng phục vụ món ăn nổi tiếng của Hà Nội: phở bò, được làm theo kiểu “tái”, bằng cách chan nước từ một nồi nước đang sôi lên những miếng thịt bò sống. Ngoài ra, còn có cả canh vịt khá cay, nóng và luôn luôn có một đĩa mắm và chanh vắt kèm theo.

Món bánh tôm băm tại Cafe Hà Nội.

Món bánh tôm băm của Cafe Hà Nội cũng rất nổi tiếng. Đó là những miếng bánh bột rán giòn với tôm và cà chua băm nhỏ ở giữa. Ngoài ra, thực khách còn thỏa mãn với món tôm rang me, mực áp chảo, sa lát và tất nhiên là không thể thiếu cơm. Tôm đã được bóc vỏ với hương thơm quyến rũ, mực được nấu chín tại chỗ. Còn sa lát là một bất ngờ thú vị với hương vị đặc trưng của các loại rau sống Việt Nam như rau thơm, húng quế và rau mùi trộn với giấm và đường.

So với mặt bằng chung ở Auckland, chi phí phải trả cho những món ăn Việt Nam tại Cafe Hà Nội là khá đắt đỏ. Nhưng nhìn chung, thực khách không có gì phải phàn nàn. Dịch vụ ở đây nhanh chóng và chu đáo với đội ngũ nhân viên dễ mến. Các món ăn là sự kết hợp tuyệt vời của tất cả các hương vị chua, cay, mặn, ngọt theo đúng kiểu của Việt Nam.

"Ơn Chúa, tôi đã được ăn tại một nhà hàng tốt nhất mà tôi từng đến ở Auckland trong năm nay", phóng viên The New Zealand Herald thổ lộ.

Susu Restaurant

Susu tọa lạc trong sân một ngôi nhà ở con phố nhỏ, tách biệt đại lộ Qianliang Hutong, Bắc Kinh. Tờ China Daily nhận xét: "Nhà hàng Việt Nam Susu là một địa điểm ăn uống tuyệt vời trong thành phố với những món ăn ngon, lạ, đặc biệt đậm hương vị Việt".

Nhà hàng Susu ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

Nhà hàng Việt Nam do hai đầu bếp trẻ người Việt làm chủ. Các món ăn Việt tại đây có màu sắc hấp dẫn, không dầu mỡ và ít tinh bột, ăn kèm với nhiều loại rau xanh, nhưng thực khách Trung Quốc lại rất hài lòng.

Các loại rau họ sử dụng bao gồm lá houttuynia cordata hình trái tim, húng quế châu Á, lá bạc hà, rau mùi cùng một số loại rau của Trung Quốc, tất cả góp vào hương vị khác biệt riêng của món ăn, đem lại nhiều cảm xúc thú vị cho thực khách Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu khéo léo kết hợp từng loại rau ăn kèm khác nhau, món ăn lại thêm phần đặc sắc.

Những món ăn Việt Nam được ưa chuộng tại Susu như gỏi ngó sen ngũ sắc, gỏi đu đủ bò với hương vị tinh tế. Song, ấn tượng nhất lại là gỏi cuốn với bánh tráng, rau diếp, lá húng quế, hẹ, rau thơm, bún cùng thịt heo thái mỏng, tôm, cá hồi hoặc sò điệp ăn với nước mắm chua ngọt. Không chỉ riêng hương vị làm thực khách say mê mà cả cách ăn cũng có sức hút lớn trong việc góp phần đem món ăn Việt đến gần hơn với đất nước Trung Hoa. Gỏi cuốn tự làm, bắt đầu từ việc nhúng bánh tráng “cứng như tấm nhựa” vào tô nước, đến việc đặt vào trong đó đủ các loại rau, thịt và cuối cùng thưởng thức sản phẩm tự tay mình làm ra là điều thật tuyệt.

Điểm nổi bật nữa ở nhà hàng là món cá lóc philê xào hành lá và thì là đặt trên bếp lửa nóng tại bàn. Món này ăn kèm với các loại rau sống, đậu phộng giã nhỏ, bánh tráng và nhất là mắm tôm - nếu không sẽ mất đi vị cay nồng đặc trưng truyền thống.

Theo An Đông - Báo Đất Việt

1/15/2012

10 Kinh nghiệm hay cho nhà hàng khi tham gia Facebook - Phần 1

Tất cả mọi người đều phải ăn, trong số đó có 700 triệu người tham gia Facebook. Tất nhiên có rất nhiều nhà hàng đã tham gia mạng xã hội lớn nhất thế giới này, mặc dù số lượng đáng lẽ phải nhiều hơn. Mashable đã phỏng vấn nhiều “ngôi sao” trên mạng xã hội làm trong ngành khách sạn, nhà hàng về những kinh nghiệm hay nên dùng trên Facebook.

>> 10 Kinh nghiệm hay cho nhà hàng khi tham gia Facebook: Phần 2

1. Minh bạch

“Tôi không bao giờ muốn xoá bất kỳ một nhận xét tiêu cực nào,” Ashley Tyson, giám đốc truyền thông tại 4Food nói. Trên thực tế, 4Food chiếu tất cả các nhận xét trên một bức tường rộng 22m2 bên trong nhà hàng. “Không ai mong một nhà hàng luôn hoàn hảo, nhưng một phản hồi chân thành và nhanh chóng để giải quyết vấn đề chính là cái để phân biệt giữa một nhà hàng tốt và nhà hàng tồi.” Bạn có thể nhìn thấy ở trên, khi Judy phàn nàn vì nhà hàng giao hàng không đúng yêu cầu, công ty đã gửi ngay một địa chỉ email để Judy liên lạc và thể hiện mong muốn giải quyết thấu đáo để lấy lại lòng tin.

 

Và giống như bạn không nên chỉ chú ý vào những nhận xét tốt, bạn cũng không nên chỉ quan tâm tới những người có nhiều bạn bè trên mạng xã hội. Một người dùng Facebook thông thường có 130 bạn, nhưng nếu một người có nhiều hay ít hơn số đó không có nghĩa họ là một khách hàng quan trọng hay kém quan trọng hơn. Hãy chắc chắn bạn sẽ trả lời tất cả mọi người và giải đáp những vấn đề họ thắc mắc – một cách kịp thời. Joe Stupp của Chipotle cho biết chính sách của công ty là trả lời tất cả (hoặc gần như tất cả) các thắc mắc hay nhận xét trên Facebook, dù là tốt hay xấu, thông thường trong vòng một hay hai giờ. Và mọi người đánh giá cao những phản hồi ngay trong ngày, dù là bất kỳ ai. “Một người có nhiều bạn trên mạng xã hội không có nghĩa họ là người quan trọng trong cộng đồng của họ,” Stupp nói.

2. Phản hồi nhanh chóng


Bạn muốn khách hàng thân thiết với trang Facebook của mình, nhưng bạn cũng muốn họ biết bạn sẽ đầu tư nghiêm túc để duy trì nó. Hãy chắc rằng bạn trả lời tất cả các câu hỏi, giải đáp các thắc mắc, và cảm ơn khách hàng khi nhận được một nhận xét tốt đẹp.

“Đừng bao giờ đánh giá thấp lời cám ơn. Bạn không thể biết tác dụng của nó có thể lan toả thế nào,” Amanda Spurlock, Tổng biên tập về truyền thông của Zagat nói.

3. Cung cấp thông tin hữu ích


Nhà hàng có một cơ hội đặc biệt – họ có thể trình diễn các món ăn, cung cấp công thức chế biến, giải thích nguồn gốc của món ăn và quay video đầu bếp đang nấu nướng. Loại thông tin này không bao giờ cũ và thậm chí nó không cần phải là của chính bạn – có rất nhiều đoạn video trên YouTube và việc của bạn là tìm ra nó. Nhà hàng Mermaid Inn đăng một đoạn video trên Facebook giới thiệu với khách hàng cách nấu và ăn tôm hùm – một món mà họ bán.

Tyson nói rằng bởi vì 4Food lấy thực phẩm tươi mỗi ngày nên cô muốn “sử dụng mạng xã hội để giới thiệu với khách hàng cách phân biệt thực phẩm tươi và chúng tôi đã chuẩn bị các món ăn như thế nào (không có chất phụ gia hay bảo quản), thực phẩm lấy từ đâu,...” Cô cũng thêm rằng vì khách hàng ngày càng quan tâm tới chất lượng, “mọi người muốn biết họ ăn những món tươi nhất, ngon nhất và tốt nhất cho sức khoẻ”.

4. Giới thiệu món ăn


Món ăn không chỉ có vị và mùi thơm ngon – nó còn cần trông đẹp mắt. Hãy đăng những hình ảnh đẹp như của nhà hàng Hill Countr, bởi vì những hình ảnh này chắc chắn sẽ làm mọi người phát thèm và tìm đến nhà hàng của bạn. Đó là lý do tại sao những thứ như Foodspotting tồn tại – mọi người thích nhìn vào những món ăn được trang trí một cách nghệ thuật.

Tuy nhiên, bạn không cần phải luôn luôn dùng hình ảnh – thỉnh thoảng một mô tả hấp dẫn lại mang lại điều bất ngờ. Hãy xem món thịt xông khói của Beauty & Essex:

 

5. Đừng chỉ “Bán” – Hãy thú vị


Vâng, nhà hàng là một công việc kinh doanh, và mục tiêu là lợi nhuận. Nhưng không nên lúc nào cũng chỉ “Bán” – những nhà hàng quảng cáo quá nhiều sẽ gây tác dụng ngược với khách hàng. “Mặc dù khách hàng muốn biết thông tin về món ăn mới hay hay những đợt giảm giá hấp dẫn, họ không muốn làm bạn với bất kỳ ai luôn chỉ vì lợi ích của mình", Tysons nói. Hãy nghĩ về nhà hàng của bạn và tìm một sự pha trộn hợp lý giữa quảng cáo, giảm giá, dịch vụ khách hàng, cam kết chất lượng, cung cấp thông tin hữu ích với khách hàng... Sử dụng nhiều nội dung đa dạng sẽ giúp bạn thiết lập và xây dựng thương hiệu thành công.

Trong ngày National Oyster Day (Ngày ăn Hàu toàn quốc, chắc không ai biết có ngày này), Island Creek Oyster Bar đăng một đoạn video trên YouTube – đây là một cách quảng cáo gián tiếp, không “hét lên” với khách hàng “Hãy đến đây ăn” nhưng vẫn có thể kéo những khách hàng thích ăn hàu đến nhà hàng của họ. Chia sẻ những sự kiện thú vị liên quan đến món ăn hay nhà hàng của bạn cũng là một cách hay để khách hàng thấy thích thú và khiến thương hiệu của bạn gần gũi hơn.

Một cách khác để quảng bá thương hiệu là biến những người khác trở thành “đại sứ truyền thông” của mình. Trên tất cả, marketing “truyền miệng” vẫn là công cụ hiệu quả nhất. Stupp gợi ý bạn nên khuyến khích khách hàng trở thành những đại sứ của mình bằng cách phục vụ họ thật chu đáo, lắng nghe họ, nói chuyện với họ, thú vị và hấp dẫn. Một khi bạn làm vậy, những khách hàng trung thành sẽ quảng cáo cho bạn (miễn phí) trên mạng xã hội cũng như ngoài đời.

Theo Lauren Drell - Mashable

1/14/2012

Quảng cáo châm biếm chính trị gia

Chuỗi nhà hàng Nando tại Nam Phi, có chi nhánh ở 30 quốc gia, đã tìm ra công thức quảng cáo đem lại thành công trên mạng: châm biếm các chính trị gia.

Một cảnh trong quảng cáo “Vị độc tài cuối cùng” - Ảnh: CNN

Nando thu hút thực khách bằng cách mô tả sinh động cảnh Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đang vui vẻ với các nhà lãnh đạo khác.

Trong quảng cáo “Vị độc tài cuối cùng”, diễn viên trông giống Tổng thống Mugabe hồi tưởng thời gian vui vẻ với các nhà lãnh đạo nhiều tai tiếng đã qua đời như ông Muammar Gaddafi của Libya, Saddam Hussein của Iraq và Idi Amin của Uganda.

Mẩu quảng cáo đã trở thành một cơn sốt tại các nước châu Phi, và Nando đã đạt doanh thu rất cao vào cuối năm 2011.

ANH THƯ (Theo CNN)

1/13/2012

Có rất nhiều cách để quảng bá cho nhà hàng, bạn còn chờ gì nữa?

Thực hiện một chiến dịch PR, quảng cáo hay marketing trực tiếp đều có thể mang lại những hiệu quả bất ngờ. Đừng xem đó là một việc phụ mà hãy xem như là một trong những công việc thú vị nhất hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của bạn.


Nếu nhà hàng của bạn có danh tiếng tốt và một số khách hàng trung thành, thân thiện, tại sao không đề nghị họ giúp bạn quảng bá cho nhà hàng của mình? Nhờ họ viết đánh giá, viết bài đăng trên blog, hay thỉnh thoảng viết nhận xét trên trang Facebook của họ. Đây là một cách marketing “truyền miệng” rất hiệu quả và tiết kiệm chi phí – chỉ cần mời họ một món ăn miễn phí nào đó.

1/11/2012

Bắt giữ nửa tấn thực phẩm Nhật “xịn” từ… Lạng Sơn về

16h chiều qua (10/1), đội số 3, phòng 6, Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an, đã bắt quả tang 2 đối tượng đang tập kết hơn nửa tấn thực phẩm cao cấp về chợ đầu mối phía Nam Hà Nội từ các chuyến xe Lạng Sơn.

Toàn bộ số hàng bị thu giữ lên tới nửa tấn

Sau gần 2 tuần theo dõi, mật phục, nằm vùng tại Lạng Sơn trong thời tiết giá lạnh 9 - 10oC để phát hiện, nắm vững phương thức thủ đoạn của các đối tượng và theo xe từ Lạng Sơn về Hà Nội, vào lúc 16h chiều ngày 10/1, các đồng chí công an thuộc đội số 3, phòng 6, Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an, đã phối hợp cùng Đội quản lý thị trường số 15 bắt quả tang 2 đối tượng đang tập kết các loại gan ngỗng, sụn gà, lưỡi bò, củ cải Nhật, rong biển tươi… tại Hà Nội.

Thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển loại thực phẩm cao cấp này rất tinh vi, chúng chia nhỏ hàng trên Lạng Sơn, vận chuyển trên nhiều xe khách, xe tải nhỏ và tập kết tại Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội.

Những thực phẩm cao cấp như gan ngỗng Pháp....

... củ cải Nhật...

... trứng cá hồi Nhật...

... tảo biển Nhật....

... sụn gà...

..lưỡi bò... này sẽ trở thành những món ăn cao cấp, đắt tiền tại nhiều nhà hàng, khách sạn đẳng cấp?

Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hàng hóa trên không có xuất xứ, chứng từ, được nhập từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch và sẽ được tiêu thụ ở một số nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội.

Trước đó, đội số 3, Cục Cảnh sát Môi trường vừa bắt giữ 20 tấn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu qua con đường tiểu ngạch.

Sau nhiều ngày mật phục tại Lạng Sơn, đồng chí Thái (mặc thường phục)
và đồng chí Uy mới thu giữ được lô hàng này

Đồng chí Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng Đội số 3, cho biết: “Giáp tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc rất mạnh do lợi nhuận rất cao. Và đây là lần đầu tiên phát hiện và thu giữ loại thực phẩm cao cấp, có giá trị lớn trên thị trường”.

“Qua đây, chúng tôi khuyến nghị người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ hàng hóa, không chủ quan ngay cả với những loại thực phẩm thuộc nhóm cao cấp, đắt tiền”, đồng chí Bùi Đức Uy, cán bộ đội số 3, Cục Cảnh sát Môi trường, khuyến cáo.

Trưa nay, toàn bộ nửa tấn thực phẩm “xịn” này sẽ được tiêu hủy theo đúng quy định. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ xem số hàng này sẽ được tiêu thụ tại những đâu.

Thu Phương - Theo Dân Trí

1/10/2012

Nửa triệu đồng một chỗ ngồi xem pháo hoa năm mới

Mức phổ biến cho một vé xem bắn pháo hoa giao thừa 2012 là 500.000 đồng, đắt gần gấp đôi năm ngoái, song vẫn có khá nhiều người đặt tại các nhà hàng ven hồ Gươm.

Giá vé xem pháo hoa năm mới 2012 được một số nhà hàng gần hồ Hoàn Kiếm chào 500.000 đồng.

Nhân viên nhà hàng Long Vân Thủy Tạ cạnh hồ Gươm thông tin, còn 2 tuần nữa mới đến ngày cuối cùng của năm, song các vị trí đẹp để ngắm pháo hoa đã gần hết. Chị này cho hay, khu ngoài trời có khoảng 20 ghế, nhưng đến hôm 9/1 chỉ còn 2 ghế. Còn khu trong nhà trên tầng 5, có khoảng 100 chỗ cũng đã có nhiều người đặt. "Giá vé đồng hạng 500.000 đồng, đắt hơn so với mức 300.000 - 350.000 đồng của năm ngoái, nhưng vẫn khá hút khách", nhân viên này thông tin.

Tại một số nhà hàng khác, giá một chỗ ngồi xem pháo hoa lại có phần "mềm" hơn năm ngoái. Theo nhân viên City View Cafe trên tòa nhà Hàm Cá Mập gần hồ Hoàn Kiếm, đến 23 tháng Chạp, nhà hàng này mới bắt đầu bán vé chỗ ngồi. Giá khoảng 250.000 đồng, rẻ hơn so với mức 400.000 đồng năm ngoái. "Bọn mình có khoảng 200 chỗ ngồi, trên tầng thượng và tầng 5, có sơ đồ cho khách chọn chỗ ngồi nên ai đến sớm sẽ được vị trí đẹp", chị cho biết.

Chị này cũng nói thêm, chắc chắn đến 23 tháng Chạp mới bắt đầu bán, và không nhận đặt hàng từ khách, vì vé ngồi xem pháo hoa bán rất chạy và thông thường sẽ hết trong 2 - 3 ngày. Cách làm này để tránh đội ngũ "cò" gom vé. Các năm trước, gần đến giờ giao thừa, những "cò" vé tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm hét giá lên tới cả triệu đồng. "Mức này cao hơn nhiều so với giá gốc mà các nhà hàng bán ra, nhưng đến phút chót, vẫn có người mua", chị nói.

Lý giải cho mức giá rẻ hơn năm ngoái, chị cho hay thông thường, giá phụ thuộc vào đồ ăn, đồ uống đi kèm. Năm ngoái, tại nhà hàng này, giá vé đắt phần vì ăn kèm là món đặc biệt. "Nhưng thường đi chơi giao thừa, ai cũng ăn ở nhà rồi, nên bán vé đắt kèm đồ ăn cũng không hiệu quả. Do vậy năm nay, bên mình chỉ bán vé kèm đồ ăn nhẹ, đồ uống", chị nói.

Một số nhà hàng khác gần khu vực hồ Gươm cũng cho hay, không có dịch vụ cho thuê chỗ ngồi xem pháo hoa. Nếu có nhu cầu, khách vào ăn, uống cafe hay sử dụng dịch vụ vẫn chọn được những vị trí đẹp để ngồi xem pháo hoa, mà không mất quá nhiều tiền.

Về mức giá lên tới cả nửa triệu đồng mỗi vé, với nhiều người, là bình thường, song cũng có không ít ý kiến cho đây là sự lãng phí. Anh Khánh (Đồng Xuân, Hà Nội), từ 2 năm nay, năm nào cũng mua chỗ ngồi để xem pháo hoa cho biết, không gian tại các nhà hàng thường lãng mạn hơn so với khung cảnh chen chúc, xô bồ bên dưới, nên khá hợp với các cặp tình nhân. Ngược lại, các gia đình có nhiều thành viên, việc bỏ một lúc cả vài triệu đồng là sự lãng phí.

Còn chị Nga, nhân viên một nhà hàng bán chỗ ngồi xem pháo hoa gần hồ Gươm cho biết, nếu chọn giữa bỏ ra một lúc hàng triệu đồng để có chỗ đẹp ngắm pháo hoa, và chen trong dòng người quanh hồ, chị sẽ chọn cách thứ hai. "Nếu không chen chúc, xô đẩy nhau thì còn gì là không khí giao thừa. Không hiểu sao, nhưng tôi cứ thấy kiểu xem pháo hoa phải bỏ tiền mua chỗ nó nhạt và chán", chị Nga cho hay.

Tuy nhiên, theo anh Thắng, chủ một nhà hàng có dịch vụ cho thuê ghế ngồi xem pháo hoa tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, có cầu mới có cung. Bằng chứng là năm nào, các vị trí đẹp của nhà hàng anh này đều "cháy" trước giao thừa cả nửa tháng. Anh Thắng cho biết, khách hàng sử dụng dịch vụ này chủ yếu là người trẻ và người nước ngoài.

"Những cặp tình nhân rất thích vừa nhâm nhi cafe, vừa ngồi ngắm pháo hoa. Đến thời khắc giao thừa, cùng ngắm và cùng trao nhau những món quà, lời chúc", anh nói. Người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng khá hào hứng với màn bắn pháo hoa chào năm mới, anh Thắng tiết lộ.

Theo Xã Luận

Không phải đặc sản rừng nào cũng sạch!

Những năm gần đây, khi mà dưới thành thị ăn cái gì người ta cũng sợ bẩn thì các loại thực phẩm có nguồn gốc từ vùng cao được lên ngôi. Càng gần Tết Nguyên đán các đặc sản vùng cao càng được ưa chuộng, nhưng cũng chính vì cái tâm lý coi cái gì ở vùng cao cũng… sạch đã làm không ít “thượng đế” mắc lỡm, thậm chí là tiền mất tật mang…

99% thịt thú rừng khô là... thịt bò!

Lò thịt sấy khô của ông Nguyễn Văn Nhuận ở phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội. Món truyền thống của ông là thịt sấy khô và hun khói các loại. Cái đặc biệt làm nên thương hiệu của thịt sấy và hun khói ở Điện Biên Phủ khác với các nơi khác và cũng làm cho nó “dậy mùi” chính là được tẩm ướp bằng các loại hương liệu của đại ngàn, trong đó mắc khén, hạt dổi là những thứ không thể thiếu. Ngoài ra để thịt thơm ngon, bảo quản được lâu thì còn cần một số hương liệu khác nhưng chỉ chủ lò mới biết.

Theo như ông Nhuận cho biết, trung bình mỗi tháng, ông xuất về Hà Nội 500kg thịt sấy khô các loại, phổ biến là trâu, bò sấy khô và thịt lợn hun khói, 2 tháng cao điểm trước Tết Nguyên đán, ông xuất từ 1 đến 1,2 tấn hàng. Theo như lời ông nói, để cho một kilogam thịt khô thì cần từ 3 đến 3,5kg thịt tươi ngon. Khách hàng của ông đều là khách ruột từ cả chục năm nay nên ông làm rất cẩn thận, không thể vì lợi nhuận mà lấy thịt ôi, thiu hay kém chất lượng.

Tuy nhiên, dạo quanh thị trường thịt sấy khô ở Tây Bắc không phải lò thịt nào cũng đảm bảo như của ông Nhuận, đâu đó vẫn có tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”. Du khách lên Điện Biên dạo quanh các khu chợ của TP Điện Biên Phủ vào dịp gần Tết có thể hoa mắt với các loại thịt sấy khô, hun khói các loại. Mọi người thường được mời mua thịt thú rừng, phổ biến là thịt nai, thịt sơn dương và lợn rừng khô. Ở chợ đầu cầu Mường Thanh thi thoảng vẫn xuất hiện những mẹt bán thịt thú rừng của các cô, các chị vận bộ đồ dân tộc.

Tôi cúi xuống nhặt mấy cục thịt đen sì, trông chẳng khác gì que củi nhưng lại được quảng cáo là thịt nai, đưa lên mũi thì chỉ thấy khen khét và cay nồng mùi ớt và mắc khén thì được hét đến 800 ngàn/kg. Giá thì đúng là… trên trời nhưng chất lượng thì được cô bán hàng tung tẩy bằng cái giọng tiếng Kinh lơ lớ: “Tiền nào của đấy, anh ăn… hàng của em là biết liền”!?

Thịt thú rừng được bày bán ở một chợ cóc tại huyện Điện Biên (ảnh chụp ngày 6/1)

Lê Văn Mạnh - một doanh nhân ngày Xây dựng, nhưng là người sành ăn và cũng có thêm cái nghề tay trái là gom hàng đặc sản cho các “thượng đế” dùng để biếu sếp nhân dịp lễ tết ở Hà Nội cho biết, cách nhận biết thịt sấy ngon hay dở thì chỉ có thử trực tiếp. Khi xé hoặc tách miếng thịt ra (thịt khô hình thức đẹp hay xấu là do sự khéo tay của người làm) thớ thịt đỏ au, ăn dai và ngọt, đặc biệt là không bở nát thì chắc chắn sản phẩm được làm từ thịt tươi, sạch.

Còn thịt sấy được quảng cáo là thịt rừng vẫn được bày bán ngoài chợ thì sao? Mạnh cười khùng khục cho biết: “Theo như tôi nắm được thì có đến 99% nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội đang treo đầu nai bán thịt bò, khách hàng đang ăn thịt trâu khô chứ không phải thú rừng như quảng cáo. Kiếm đâu ra, ngay giữa đất Mường Then này tìm đỏ mắt cũng không kiếm được thịt nai khô đâu. Rừng trọc lông lốc, kiếm chồn, cáo còn khó huống hồ là nai, hoẵng!?”.

Cẩn thận kẻo tiền mất tật mang

Các sản phẩm vùng cao vẫn được coi là đặc sản được các “thượng đế” thành thị ưa chuộng là: thịt sấy các loại, rượu ngâm các loại cây cỏ, con vật, thịt tươi trong đó có cả thịt lợn bản (lợn cắp nách), lợn rừng, nai, hoẵng… Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Điện Biên Phủ hiện có hơn 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thịt sấy khô. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 cơ sở được cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Trong thực tế còn nhiều hộ, nhất là các hộ kinh doanh bằng nghề giết mổ cũng tham gia vào thị trường béo bở này. Chưa kể hầu như các bản vùng cao, năm hết Tết đến thì như một tập quán các gia đình đều ít nhiều làm vài cân thịt khô để ăn trong mấy ngày Tết, và ăn không hết thì họ đem ra chợ bán cũng là chuyện bình thường.

Quản lý chất lượng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt sấy khô là một công việc khó khăn? BS Nguyễn Đức Phúc, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Điện Biên cho biết, thời gian qua dù cố gắng nhưng vẫn còn tình trạng bị buông lỏng. Bởi hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ. Cơ quan chức năng cũng chưa lấy mẫu về kiểm nghiệm để đưa ra kết luận chính thức. Thịt trâu, thịt bò, thịt lợn sấy khô thường không sử dụng các loại phụ gia bảo quản, nhưng người tiêu dùng cần cảnh giác với những chiêu quảng cáo thịt thú rừng sấy khô, hầu hết là hàng… giả cầy.

BS Phúc cũng khuyến cáo, Tết Nguyên đán là dịp gia tăng các bệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân hãy tự bảo vệ mình bằng quan sát bằng mắt và chỉ nên lấy hàng ở các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ và được các cơ quan chức năng cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh.

BS Nguyễn Đức Phúc, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Điện Biên: Tâm lý của người dân là cứ tưởng ăn thịt thú rừng là sạch. Nhưng trong thực tế, những con thú hoang dã có thể có rất nhiều bệnh vì nó không được phòng dịch, chữa bệnh như các gia súc nuôi nhốt, chăn thả. Ở Điện Biên đã từng có vụ ngộ độc bởi ăn tiết canh lợn rừng hay ăn nậm pịa (dịch của ruột non) dê núi…

Vũ Mạnh Hà -Theo CAND


1/08/2012

Ăn chay Hà Thành: Từ 10 nghìn đồng đến tiền triệu

Cơm chay đang lên ngôi nên câu chuyện quán chay thật muôn vẻ được thể hiện từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng.

Rất đông thực khách xếp hàng ở một quán chay bình dân...


Từ quán chay bình dân

Đa số quán chay bình dân nằm gần các cơ sở Phật giáo hoặc có biển hiệu gần gũi với tôn giáo như cơm chay Thiện Tâm (Giải Phóng), cơm chay Âu Lạc (Khâm Thiên), cơm chay Hoàng Kim (Gia Lâm)...

Thực đơn các quán chay này đều nhiều món với giá rẻ. Trong đó, quán cơm chay Hà Thành (Kim Mã) là một trong những cơm quán chay bình dân được nhiều người biết đến vì giá cả khá “mềm”, chỉ 15.000 - 25.000 đồng/suất.

Nhộn nhịp hơn hẳn phải kể đến không khí của tiệm ăn chay Âu Lạc ở Đường Láng. Qua giờ ăn trưa nhưng khách vẫn còn chen chúc trước cửa quán, thậm chí đứng tràn ra lòng đường để chờ đến lượt mua cơm mang về. Nhiều khách đến ăn tại chỗ thì vất vả tìm chỗ gửi xe, sau đó mòn mỏi đợi cơm như xếp hàng... thời “bao cấp”.

“Tiệm ăn chay ở đây giá bình dân (cũng từ 10.000 - 25.000 đồng/suất - PV), cơm gạo lức, món phở chay khá nổi tiếng. Vì vậy, cửa hàng rất nhiều khách thường xuyên đến ăn. Những ngày rằm, mùng một hay những ngày lễ như Vu Lan, Phật Đản, chúng tôi đã nấu lượng thức ăn gấp đôi so với ngày thường mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu” - Anh Vũ Đức, chủ tiệm ăn chay Âu Lạc cho biết.

Là một “tín đồ” ăn chay, chị Anh Liên (Giải Phóng - Hà Nội) cho biết: Cứ đến trưa mùng một và ngày rằm, mình và chị kế toán lại rủ nhau đi ăn cơm chay ở quán Thiện Tâm. Thực khách chủ yếu là giới trẻ rủ nhau đến thưởng thức những món ăn lạ miệng.

“Quán đông khách nên có hôm đợi đến 15 phút mới đến lượt mình có cơm ăn nhưng thôi cả tháng mới có hai ngày đi ăn như thế, vừa ngon vừa lạ miệng lại kinh tế, phù hợp với túi tiền của dân văn phòng” - chị Liên chia sẻ thêm.

Đến nhà hàng chay sang trọng

Khác với những món ăn dân dã nơi cửa chùa, đa phần tiệc chay tại nhà hàng đều phong phú hơn cả về nguyên liệu, cách chế biến, số lượng món ăn. Nó không còn là thực đơn riêng của ăn chay kiểu “ép xác”, khổ hạnh mà vươn lên đẳng cấp nhà hàng, thậm chí “Tây hóa” nhiều món chay truyền thống.

... Vì không phải ai cũng có thể vào nhà hàng chay cao cấp.

Ẩn trong lòng phố cổ Nguyễn Khắc Nhu (Ba Đình) là nơi toạ lạc của nhà hàng chay Adida. Adida khá nổi tiếng bởi sự kết hợp nghệ thuật tràn đầy cảm hứng với không gian màu sắc và âm hưởng Phật giáo giúp thực khách thư giãn, tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc của cuộc sống nhiệm màu.

“Nhà hàng chay Adida có nhiều món cơm chay đặc sắc đáp ứng đủ nhu cầu về ăn chay của mọi tầng lớp từ người ăn chay vài ngày trong tháng hay những người cần ăn kiêng để giảm cân hoặc những ai theo đạo Phật. Mình và đồng nghiệp thi thoảng đến đây ăn để đổi khẩu vị, giả cả ở đây bình thường từ 100.000 - 150.000 đồng/suất tùy mình gọi” - chị Hồng Hạnh (Ngân hàng Agribank Ba Đình) chia sẻ.

Khác với nhà hàng Adida, không gian ẩm thực văn hóa Maison Sens (Trần Hưng Đạo) là một tòa biệt thự Pháp cổ, sơn trắng với những bông hoa đại trong vườn.

Bước vào không gian Buffet chay của Maison Sens, khu khai vị không chỉ mang đến những món nem, món cuốn đậm chất Việt Nam mà còn có những món Âu như sa lát pho mát mozzarella trộn với rau húng và cà chua tươi ngọt hay ẩm thực tinh tế từ xứ sở hoa anh đào với sushi cuốn tay được đầu bếp Nhật tài hoa nhiều năm kinh nghiệm chế biến.

Anh Vũ Văn Nam (Việt Kiều Pháp), một doanh nhân thành đạt, thường xuyên cùng gia đình hoặc đưa đối tác đến Maison Sens ăn, cho biết: “Mặc dù giá cả cao so với các quán cơm chay bình dân (từ 190.000 - 250.000 đồng/suất, thậm chí có suất đến tiền triệu - PV). nhưng cứ nhìn cách bài trí món ăn vừa mắt, tên gọi rất hay, không gian lại thanh tịnh, mô phỏng chốn cửa thiền nên cũng xứng đáng với số tiền bỏ ra thôi”.
Ngoài mục đích lạ miệng, sức khỏe, hiện nhiều gia đình đang thường xuyên tăng bữa ăn chay ở nhà vì những lý do khác nữa. Theo đạo Phật thì ăn chay để nuôi dưỡng tâm thiện, cân bằng tinh thần, biết yêu thương, hòa nhã. Nó sẽ đem đến hạnh phúc cho mình và bình an cho mọi người.

Theo Xã luận

Yan Can Cook chọn phở nếu chia tay cuộc đời

Martin Yan với món cá nướng nghệ, đặc sản 
của miền Trung, Việt Nam
Hằng năm, cứ vào ngày 8-1 là Yan Can Cook (Martin Yan) lại làm "chủ xị" cho cuộc thi những nhà hàng Trung Hoa nổi tiếng nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, năm nay cũng là lần đầu tiên Yan vắng mặt với sự kiện này để đến Việt Nam.

Lý do duy nhất: giúp bạn ông - đầu bếp nổi tiếng gốc Việt Dương Huy Khải - khai trương, quảng bá nhà hàng.

Lịch làm việc của Yan tại VN kín đặc với các... cuộc phỏng vấn của truyền thông, báo chí Việt Nam. Nhưng Yan nói rằng ông không biết mệt, người ông vẫn đầy ắp năng lượng, sự nhiệt tình, sôi nổi như khán giả vẫn thấy ông trên tivi trong chương trình Yan can cook.

Trên thế giới, Yan đã thuyết phục người hâm mộ bởi tài năng nấu nướng, nhiệt huyết đam mê ẩm thực và sự tận tâm truyền bá của ông. Nhưng ở đây, sự cảm nhận về người đàn ông thành công, nổi tiếng này còn là một tâm hồn thấm nhuần văn hóa Phật giáo, sống giản dị, chân thành, khiêm tốn; lấy sự chia sẻ làm niềm vui, của cải tinh thần cho cuộc sống.

Nghĩ mình chưa nổi tiếng để còn vươn tới


* Vì sao ông bỏ buổi lễ truyền thống tôn vinh ẩm thực Trung Hoa tại Mỹ để qua Việt Nam giúp bạn khai trương, quảng bá nhà hàng Việt Nam?

- MARTIN YAN: Hãy làm điều gì đó cho tình bạn. Cuộc sống đâu chỉ là tiền bạc hay danh tiếng, phải không? Khi bạn hi sinh một điều gì đó vì tình bạn, bạn hiểu rằng tình bạn của mình thêm ý nghĩa. Vì vậy tôi phải ở đây phụ ông Khải một tay. Nhưng bạn yên tâm, chúng tôi sẽ quay video buổi khai trương ở Việt Nam để phát lại ở Mỹ. Hi vọng công chúng sẽ hiểu và thông cảm cho lý do tôi vắng mặt!

* Không những là đầu bếp nổi tiếng thế giới mà còn có đông đảo người hâm mộ trên thế giới, cảm giác của ông về điều đó như thế nào?

- Tôi muốn mình là đầu bếp thành công, nhưng tôi không nghĩ mình là người nổi tiếng. Tôi muốn thành công để mọi người tin tưởng, quan tâm đến những chương trình quảng bá ẩm thực của tôi, qua đó tôi có thể chia sẻ niềm đam mê nấu nướng với nhiều người.

Tục ngữ Trung Hoa có câu: "Nếu nghĩ mình nổi tiếng thì đã đến lúc sắp về hưu rồi". Cho nên tôi đâu muốn mình... về vườn sớm khi cuộc sống còn biết bao nhiêu điều để học hỏi. Phải nghĩ mình chưa nổi tiếng để vẫn còn mục tiêu vươn tới.

Ông Martin Yan biểu diễn tại nhà hàng Bun K

* Theo ông, trong 100 đứa trẻ thì có bao nhiêu sẽ nghĩ mình sau này là một đầu bếp nổi tiếng? Tôi hỏi câu này để biết làm đầu bếp là một ước mơ hay là sự lựa chọn nghề nghiệp?

- Tôi sẽ trả lời cho trường hợp của tôi. Năm 13 tuổi, tôi phải nấu nướng trong những nhà bếp Trung Hoa chật chội, nhớp nháp, nóng nực... Dĩ nhiên, ở hoàn cảnh đó không có đứa trẻ nào mơ mình làm đầu bếp nổi tiếng cả, tôi cũng vậy. Chỉ đến khi học nấu ăn rồi thành công, được chia sẻ niềm đam mê của mình với nhiều người tôi mới thấy ý nghĩa. Với tôi, đó là một cơ hội.

Trong suy nghĩ của tôi, đầu bếp giỏi trước tiên là người muốn phục vụ, làm vừa lòng người khác bằng những món ăn ngon. Cho nên trước tiên họ phải là những người có tâm tính tốt, biết nghĩ đến người khác.

* Nhưng con đường trưởng thành và thành công của một đầu bếp nổi tiếng sẽ như thế nào?

- Bạn có năng khiếu, nhưng bạn còn phải có đam mê. Nếu không đam mê bạn sẽ không có thành công. Nghề này không phải theo năm tháng, kinh nghiệm, mánh lới... mà thành công được. Thành công của tôi còn là mồ hôi, nước mắt. Tay tôi đến giờ vẫn đầy vết sẹo bỏng, những vết dao cắt... Một ngày từ 8 - 10 giờ trong nhà bếp thì những điều đó đương nhiên sẽ xảy ra. Nghề nào mà chẳng vậy, thành công nào mà không có mồ hôi và nước mắt chứ!

* Nếu chọn một món ăn cuối cùng để từ giã cuộc đời này, ông sẽ chọn món gì?
- Ái chà, tôi sẽ gọi một tô phở bự và đẹp, bỏ vô đó đầy đủ các loại rau rồi ních một bữa no nê. Một khi đã đời rồi tôi sẽ thốt lời: “Tạm biệt!”.
Đời người sinh ra tay trắng, chết cũng chả có gì mang theo, được một tô phở dằn bụng như vậy quả là... ấm bụng rồi!

* Có rất nhiều đầu bếp nổi tiếng trên thế giới, nhưng họ chỉ nổi tiếng ở... nhà bếp. Còn ông, được cả thế giới biết đến bởi khả năng truyền cảm hứng nấu nướng cho người khác qua tivi. Kỹ năng này với ông là một năng khiếu hay được rèn luyện?

- À, cái này là do trời Phật cho tôi mà có. Trên tivi bạn thấy tôi luôn mừng rỡ, vui vẻ như một đứa trẻ được quà. Có vậy tôi mới gây hứng thú, truyền được cảm hứng nấu nướng dao thớt cho nhiều người chứ!

Tôi có một đặc điểm là mỗi khi ánh đèn bật sáng, chiếu vào thì tôi cảm giác như mình được tiếp một nguồn năng lượng khổng lồ, giúp tôi làm tốt công việc mình làm. Nhưng khi ánh đèn tắt đi, cảm hứng trong tôi cũng... tắt ngủm. Bản năng này... tôi nghĩ cũng như một nghệ sĩ vậy!

* Ông đã từng đóng phim Cơm gà Hải Nam (tựa tiếng Anh Rice rhapsody hoặc Hainan chicken rice), vậy ông so sánh giữa nấu nướng và điện ảnh như thế nào?

- Trên tivi tôi luôn hoạt náo, vui vẻ nhưng đóng phim thì phải tâm trạng. Ví dụ: để vào vai buồn, khổ nỗi là gương mặt tôi chỉ quen tươi cười, chưa biết phải diễn cách nào thì đã thấy tôi... phì cười. Ðạo diễn cáu: "Hãy nghĩ là con chó của nhà anh chết đi", tôi lập tức nghĩ như vậy và... mặc niệm một chút. Hay bảo phải sợ hãi, tôi quanh năm rúc đầu xó bếp, có ai đâu để mà kề dao gí súng bắt tôi... phải sợ hãi! Cho nên tôi tự nhận mình là đầu bếp giỏi nhưng là diễn viên tồi. Ðể nấu ăn trên tivi tôi cứ là tôi, không cần diễn hay nhập vai gì hết. Nhưng với điện ảnh thì khác.

Đeo đồng hồ 3USD/cái
Trước tivi, tôi huyên náo, truyền cảm hứng và niềm vui nấu nướng cho nhiều người. Nhưng khi về nhà niềm vui của tôi là khu vườn. Sự yên tĩnh dạy cho tôi sự tĩnh tại, khiêm tốn và những triết lý đạo Phật khác. Mẹ tôi là một người rất dịu dàng, từ tốn với đức khiêm cung. Bà nói rằng nếu không nghĩ mình là số một thì dông tố sẽ không bao giờ đến. Tôi nghe bà học hỏi và chịu ảnh hưởng những đức tính của bà. Tôi sống giản dị, đi chiếc xe bình thường, đeo đồng hồ 3 USD một cái... Với cuộc sống, nếu bạn nghĩ bạn thành công, hạnh phúc thì bạn sẽ hạnh phúc. Còn khi bạn nói mình chưa đủ thì... bao giờ mới là đủ? Tôi thấy hạnh phúc và tĩnh tại trong cõi cân bằng đó của mình. Cuộc sống còn là sự sẻ chia, không tham lam, ích kỷ. Những gì có được tôi cũng cố gắng phân chia, san sẻ với nhiều người!

Tôi ghen với đàn ông Việt


* Ðã qua Việt Nam nhiều lần, vậy những lần trở lại Việt Nam sau này ông còn thích thú khám phá gì không hay chỉ đơn thuần là mục đích công việc? Vì sao ông nhận lời quảng bá cho ẩm thực Việt Nam?

- Tôi yêu Việt Nam, mỗi lần sang Việt Nam tôi đều khám phá một món gì đó mới. Với tôi đó là điều kỳ diệu, thích thú. Món ăn Việt Nam đơn giản nhưng rất đa dạng, từ những món hàng gánh lề đường cho đến những món sang trọng ở khách sạn 5 sao. Ðó là sự độc đáo mà món ăn các nước khác không có. Ngay món phở Hà Nội khác mà trong Nam cũng khác. Cho nên tôi đã chia sẻ điều này với đầu bếp Khải bạn tôi và cảm thấy hãnh diện để góp phần quảng bá. Tuy nhiên chỉ sức tôi thì không đủ, quan trọng là mọi người cùng góp tay với tôi nhé!

* Ông là người gốc Hoa, ở Mỹ, lấy vợ Nhật. Vậy theo câu nói người Việt: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật" thì dường như cuộc đời ông đã viên mãn?

- Ồ không, câu nói của tôi là: "Ở nhà Tây, ăn cơm Việt, lấy vợ Việt" chứ! Món Việt ngon, phụ nữ Việt xinh đẹp lại giỏi giang, đảm đang. Cho nên, tôi ghen tị với nhiều đàn ông Việt Nam thật sung sướng, rảnh rang, ngồi đồng ở quán cà phê cả buổi (cười).

* Trở thành một đầu bếp thành công, theo ông, người đầu bếp còn có thể làm gì để cống hiến cho xã hội thêm nữa?

- Người đầu bếp khi thành công có thể lập hội, hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người khác. Ở Mỹ, Hội đầu bếp không biên giới của tôi và anh Khải hay làm điều này. Tôi đi diễn thuyết nhiều nơi, biểu diễn, đấu giá... để đóng góp mục đích từ thiện. Ở Mỹ, người ta mua con dao của Martin Yan giá 6.000 USD, cái áo 3.000 USD, ở Hong Kong họ mua món ăn của tôi 7.500 USD... bởi họ biết tôi làm vì mục đích từ thiện. Ðạo Phật dạy con người phải biết sống bao dung, chia sẻ...

* Ðể đánh giá một món ăn ngon theo các yếu tố: ngon, bổ, rẻ, an toàn - sức khỏe, bảo vệ môi trường thì thang xếp hạng của ông sẽ như thế nào?

- Ðầu tiên tôi chọn bảo vệ môi trường. Tôi thấy món ăn Việt Nam tươi sống, với nhiều loại rau quả, rất gần gũi với môi trường. Có lẽ món ăn Việt Nam gần gũi môi trường nhất thế giới, tôi nghĩ vậy. Mà khi đã chọn môi trường thì bạn đã có an toàn cho sức khỏe, phải không!

Yếu tố rẻ thì tôi nghĩ món ăn Việt Nam có nhiều thang giá khác nhau, tha hồ lựa chọn. Không như món ăn các nước khác, giá cả tương đối đều đều nhau. Còn ngon và bổ thì... không cần phải chọn. Ðã là món Việt thì... ngon và bổ rồi.

QUANG THI - Theo Tuổi Trẻ

1/05/2012

Chủ thẻ lo bị “móc túi”

Sau khi công an phát hiện đường dây làm giả thẻ ATM để rút tiền, nhiều ngân hàng ráo riết tìm giải pháp bảo vệ.

Khi rút tiền, khách hàng phải quan sát kỹ để tránh bị ăn cắp thông tin thẻ

Theo các chuyên gia, tội phạm thẻ ngày càng tinh vi, do vậy bên cạnh những giải pháp ngân hàng (NH) đưa ra đòi hỏi người sử dụng thẻ cũng phải có ý thức tự bảo vệ mình.

Nhiều chiêu đánh cắp tiền trong tài khoản

Ông Trịnh Thượng Thức, trưởng phòng dịch vụ thẻ NH Ngoại thương chi nhánh TP.HCM, cho biết những chiếc thẻ trắng tội phạm dùng để rút tiền tại các máy ATM, còn thẻ in giả logo của các NH chúng dùng để “cà” khi mua hàng thời trang cao cấp, điện thoại di động, máy chụp ảnh đắt tiền.

1/02/2012

8 sai lầm nên tránh khi xây dựng website

Một số website của nhà hàng thì thanh lịch và hấp dẫn như những món ăn mà họ phục vụ, trong khi những trang khác lại là một mớ hỗn độn thông tin và ảnh flash khiến mọi người phải vội vàng đóng lại.

Một website cũng tương tự như “mặt tiền” nhà hàng của bạn – nó cho phép mọi người xem thực đơn và biết qua về phong cách phục vụ. Một website được thiết kế bắt mắt và chuyên nghiệp có thể làm nên sự khác biệt trong việc thuyết phục khách hàng ghé thăm nhà hàng của bạn.

Website nhà hàng Ottolenghi - Anh

8 sai lầm nên tránh khi xây dựng website:

1. Thực đơn là file PDF – Mọi người đều muốn nhanh chóng tìm những thông tin chính, họ không muốn phải ngồi chờ tải file xuống để xem, và không ai muốn phải chờ đợi thậm chí trước khi họ đặt chân tới nhà hàng của bạn.

1/01/2012

Facebook và những khảo sát thú vị

47% người dùng chửi thề trên trang Facebook của họ. 48% thường xuyên vào xem Facebook của người yêu/chồng cũ. 48% cha mẹ kết bạn với con cái họ trên Facebook... Những con số từ Facebook tiết lộ rất nhiều về lối sống của chúng ta.

Với 600 triệu tài khoản người dùng Facebook hoạt động, nhiều khảo sát trên Facebook giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về những chuẩn mực văn hóa đang biến đổi, bao gồm các vấn đề về giá trị, đạo đức, sự thay đổi trong các mối quan hệ giữa người thay với người khác. Dưới đây là một số kết quả khảo sát như vậy.

56% người Mỹ cho rằng thật bất cẩn khi làm bạn với "sếp" trên Facebook

Một khảo sát Responsibility Project của Liberty Mutual công bố trên Reuter cuối tháng 2/2011 chỉ ra, phần lớn người Mỹ không thấy có lí do xã hội nào để có thể kết bạn với "sếp" của họ trên Facebook. Khảo sát 1.000 người cho thấy nên tách biệt rõ ràng giữa công việc và cuộc sống riêng tư.

Trong khi đó, 62% các "sếp" đồng tình là không đúng khi kết bạn với nhân viên của mình trên mạng xã hội này. Và có đến 76% cho rằng chỉ nên kết bạn với những người ngang hàng về địa vị với mình, và nói giá trị thật sự của họ được đánh giá dựa trên thành tích công việc chứ không dựa vào các mối quan hệ cá nhân.

Liên kết về sex trên Facebook được chia sẻ nhiều hơn 90% mức bình thường

Từ tháng 2 đến tháng 5/2010, nhà nghiên cứu về truyền thông xã hội Dan Zarrella tiến hành xem xét 12.000 liên kết từ Facebook với các trang blog và tin tức, nhận thấy, các liên kết về sex trên Facebook có khả năng được chia sẻ nhiều hơn 90% so với bất kỳ một chủ đề nào khác. Ông cũng phát hiện các liên kết thể hiện tâm lý tích cực có nhiều khả năng được chia sẻ trên Facebook hơn so với những liên kết mang tính tiêu cực.

Người dùng độc thân ít vui vẻ hơn

Tháng 2/2010, Facebook kỉ niệm ngày lễ Tình Nhân Valentine bằng cách xem xét mối liên hệ giữa tình trạng hôn nhân của người dùng với mức độ vui vẻ của họ. So sánh này được thực hiện dựa trên mức độ tích cực/tiêu cực nhờ thông tin cập nhật về trạng thái người dùng trên Facebook. Kết quả là, những người khai báo đã kết hôn, hay đính hôn trên Facebook thường vui vẻ hơn so với những người ở trạng thái độc thân.

21% chia tay trên Facebook

Một khảo sát vào tháng 6/2010 với 1.000 người dùng, trong đó 70% là nam giới, cho thấy, 25% gặp trục trặc với vợ, người yêu (thống kê dựa trên các thông tin người dùng cập nhật trên Facebook về mối quan hệ của họ). Trong số đó, có 21% nói sẽ kết thúc mối quan hệ bằng cách chuyển tình trạng hôn nhân trên Facebook của họ thành Single (độc thân).

85% phụ nữ bị bạn Facebook quấy nhiễu

Nghiên cứu hồi tháng 3/2011 của Eversave cho hay, 85% người dùng nữ thừa nhận rằng họ bị bạn bè trên Facebook làm phiền. Trong đó, kiểu làm phiền được nhắc tới nhiều nhất là kiểu “lúc nào cũng phàn nàn” (61%), “chia sẻ những thông tin chính trị chẳng liên quan gì” (42%), và “khoe khoang về cuộc sống có vẻ như hoàn hảo của họ” (32%)…

25% tài khoản Facebook không dùng chế độ kiểm soát sự riêng tư

Khảo sát của Consumer Reports (6/2010) chỉ ra, 1/4 các tài khoản Facebook không sử dụng chế độ kiểm soát riêng tư, 75% còn lại không dành thời gian để tìm hiểu chế độ bảo mật này. Trong khi đó, một cuộc điều tra tương tự cho thấy 26% người dùng và cả con cái họ đều rất dễ có khả năng trở thành “miếng mồi” khi khoe ảnh và tiết lộ thông tin cá nhân của mình.

48% cha mẹ kết bạn với con cái họ trên Facebook

Theo kết quả khảo sát của Retrevo, gần 50% số phụ huynh mong muốn có thể kết bạn với chính con cái của họ trên Facebook. Khi được hỏi về độ tuổi tối thiểu cho phép sử dụng Facebook, MySpace hay các mạng xã hội khác, 26% người tham gia khảo sát cho rằng nên là 18 tuổi, 36% chọn con số 16-19 tuổi, 30% đồng ý với độ tuổi 13-15, và chỉ 8% chấp nhận con số dưới 13 tuổi. Tuy nhiên, một khảo sát khác của Consumer Reports lại tiết lộ rằng hầu như các phụ huynh có con nhỏ hơn 10 tuổi còn rất ít quan tâm đến chuyện coi cái họ có tham gia Facebook hay không.

47% chửi thề trên trang chính (wall) của họ

Reppler với khảo sát của mình ghi nhận, 47% người dùng Facebook hay chửi thề trên trang chính của họ, trong khi đó, bạn bè cũng viết hộ ở trang “nhà hàng xóm” với tần suất 56% thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc gần 50% người dùng Facebook cảm thấy bình thường khi phát ngôn hay tiếp xúc với những lời lẽ này.

48% thường xuyên vào xem trang Facebook của người yêu/chồng cũ

Đó là kết quả khảo sát mà YouTango đã đưa ra. Có vẻ như cơ hội tìm hiểu về “tình xưa nghĩa cũ” đang rộng mở hơn với người dùng thông qua Facebook và các mạng xã hội. Điều này cũng có thể bị coi như là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự riêng tư.

Theo PCWorld

Kinh doanh khách sạn, nhà hàng hấp dẫn nhất

Theo Bộ Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành năm 2011 đã đạt mức trên 912 nghìn tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2010.

Trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng thấp nhất, chỉ 3%, trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng gấp năm lần, đạt 15,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,8%.

Đáng lưu ý, theo Bộ Công thương, mặc dù đã khẳng định nhiều lần phải giảm xuất khẩu khoáng sản thô nhưng thực tế năm 2011 so với năm 2010, công nghiệp khai khoáng chỉ giảm 0,1%. Một bất ngờ nữa là nếu phân theo ngành kinh tế, Bộ Công thương cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành khách sạn và nhà hàng cao nhất, tăng 27,4%.

Giải pháp phát triển công nghiệp năm 2012, Bộ Công thương cho biết sẽ huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư sản xuất công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, điện tử, ôtô, đóng tàu...

Bộ Công thương cũng khẳng định năm 2012 bộ sẽ tập trung xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng.

C.V.KÌNH - Theo Tuổi Trẻ