2/24/2012

Mua hàng theo nhóm: Tưởng rẻ hóa đắt!

Với khoảng 100 trang web cung cấp hàng ngàn deal (hiểu nôm na là một thỏa thuận giá rẻ của DN đưa ra cho người tiêu dùng) đủ loại mỗi ngày, mua sắm theo nhóm là xu hướng đang thịnh hành. Tuy nhiên, đã có không ít khách hàng than phiền rằng nó không thực sự giúp họ được hưởng hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt và mức giá ưu đãi.

Mua sắm theo nhóm là một xu hướng đang khá thịnh hành trong cộng đồng xã hội. 

Sự thiếu chuyên nghiệp của nhà cung cấp

Chị Hương, nhân viên một chi nhánh Maritime Bank, sau nhiều lần đặt hàng và sử dụng dịch vụ từ các trang mua sắm cộng đồng đã rút ra kết luận: “Chẳng rẻ hơn được bao nhiêu lại còn rước thêm bực mình”.

Gõ cụm từ “mua hàng theo nhóm” trên công cụ tìm kiếm, những kết quả kiểu như “bất bình vì phân biệt đối xử”, “bực mình với mua hàng theo nhóm”, “lừa gạt người mua”, “không tôn trọng khách hàng”, “thiếu chuyên nghiệp”... hiện lên đầy rẫy trên các diễn đàn hoặc trang cá nhân. Thành viên freelance8x của muare.vn đã tóm tắt các vấn đề của việc mua hàng theo nhóm là: Giao hàng chậm - Thực tế không như quảng cáo - Chế độ khuyến mại không rõ ràng - Chăm sóc khách hàng kém.

Trên thực tế, đã có các hiện tượng như: mua voucher (phiếu chứng nhận giảm giá) set ăn thì đồ vừa ít vừa chán so với ảnh minh họa; mua voucher spa, làm tóc, làm răng thì phải trả thêm tiền; mua đồ dùng, thiết bị thì nhanh hỏng, thậm chí bị đẩy giá lên cao hơn nhiều giá ngoài thị trường… Bà Trương Tố Linh, GĐ Hotdeal.vn tại Hà Nội cho biết: “Tình trạng đó thường xảy ra ở loại deal như ăn uống, giải trí, chăm sóc sắc đẹp… do chất lượng dịch vụ là vô hình và khó đánh giá hơn sản phẩm hàng hóa. Khi xảy ra khiếu nại, các trang cung cấp deal là bên thứ ba sẽ có trách nhiệm giải thích và bồi thường tùy mức độ cho khách hàng. Còn đối với nhà cung cấp, tùy trường hợp mà phạt tiền vi phạm hợp đồng hoặc chấm dứt deal”.

Bán voucher có ưu thế vượt trội so với các hình thức quảng cáo trên báo đài, banner trên website ở chỗ: đối tượng không chỉ xem, nhìn, nghe nói mà sẽ trực tiếp sử dụng hàng hóa, trải nghiệm dịch vụ. Nếu chất lượng tốt khiến họ hài lòng thì lần sau dù không có voucher họ cũng quay lại, không những vậy còn đem tặng, mời hoặc giới thiệu với người thân. Nhà cung cấp nếu vì sợ giảm một phần lợi nhuận trước mắt mà không thực hiện nghiêm túc thì hậu quả lâu dài là uy tín giảm sút, mất chỗ đứng trên thị trường.

Thói quen xấu của người tiêu dùng

Mua sắm cộng đồng chưa phát huy được hết lợi ích của nó cũng còn do người tiêu dùng. Đã có những trường hợp mất tiền oan vì chủ quan như bạn Đạt (Thái Thịnh, Hà Nội) mua combo vé xem phim Megastar trên nhommua nhưng đến ngày cuối cùng của thời hạn mới đem sử dụng, lại không gọi điện trước tới rạp để xác nhận xem còn vé không. Vậy là khi tới nơi vé đã hết, hôm sau thì voucher không còn giá trị. Hoặc một tình huống khác, Mai Anh (22 tuổi, sinh viên ĐH Thương mại) viết status trên facebook kêu ca về việc mua voucher set ăn ở một nhà hàng trên phố Thái Hà giá 200 nghìn đồng, khi thanh toán phải trả thêm hơn 100 nghìn. Khi một người bạn vào comment là đọc lại điều khoản khuyến mại xem sao thì Mai Anh mới thấy khoản trả thêm đó là tiền đồ uống và phí phục vụ, vốn không được tính trong voucher.

Tâm lý thích thanh toán theo phương thức truyền thống (tiền, hàng trao tay) của số đông khách hàng gây áp lực không nhỏ cho nhà cung cấp và phân phối về vấn đề nhân sự. Hiện nay cơ sở hạ tầng của thanh toán online khá phong phú với nhiều cổng thanh toán như SohaPay, Smartlink hoặc mô hình ví điện tử như Mobivi, Ngân lượng… mang đến nhiều tiện ích và lựa chọn cho thương mại điện tử nói chung, mua hàng theo nhóm nói riêng. Người dùng thanh toán trực tuyến sẽ nhận được ecoupon (mã số gửi trực tiếp vào mail và số điện thoại) thay vì coupon dạng phiếu, vừa nhanh vừa không mất phí vận chuyển, không lo thất lạc.

Một điều nữa là hiện tượng mua quá nhiều coupon dẫn đến không sử dụng hết. Cũng vì ham rẻ, tiếc các khuyến mại, sợ bị bỏ lỡ nên có những người đặt hàng cùng lúc nhiều voucher đủ loại, thậm chí là cùng một loại. Tưởng mua được rẻ nhưng lại thành đắt vì không dùng đến, số tiền bỏ ra hoàn toàn vô ích như chị Minh, một thành viên lâu năm của diễn đàn webtretho, mua một lúc 6 cái túi sưởi trên cungmua nhưng trong nhà chỉ có mỗi bà nội dùng. Số túi sưởi còn lại chị vừa đem cho, vừa rao bán lại trên box Thanh lý để gỡ gạc phần nào. Tương tự, chị Thanh , BTV Truyền hình Quân đội, mua rất nhiều voucher set ăn và spa nhưng không thể sắp xếp thời gian đi nên để hết hạn khá nhiều. Dạo quanh các trang như lamchame, muare, 5giay, vatgia… hầu hết đều có các chủ đề muốn thanh lý, sang nhượng lại voucher với lý do như trên. Đã có những trang tổng hợp deal mở box riêng để trao đổi voucher giữa người dùng với nhau, chẳng hạn như Chợ voucher của giamua.com, Vouchers của khuyenmaiso.vn. Đó là một giải pháp “ăn theo” để giải quyết tình trạng lãng phí voucher nhưng muốn giải quyết triệt để thì chính các “thượng đế” phải tỉnh táo và biết kiềm chế hơn giữa ma trận các deal liên tục được tung ra.

Tóm lại, thị trường "mua hàng theo nhóm" ở VN vẫn có cơ hội phát triển nhưng theo một cách chọn lọc, với cả người bán và người mua. DN cần chú trọng giữ gìn thương hiệu và người tiêu dùng nên học cách mua sắm thông minh.

Bà Trương Tố Linh, đại diện Hotdeal Hà Nội đưa ra 4 lời khuyên cho khách hàng để sử dụng deal hợp lý, bao gồm: Cân nhắc nhu cầu sử dụng - Đọc kỹ điều khoản khuyến mại, hạn dùng - Nên phản ánh trực tiếp và tức thời với đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm - Lựa chọn deal ở các trang groupon có uy tín để nâng cao mức độ an toàn.

Mỹ Hạnh - Báo Bưu điện Việt Nam

No comments:

Post a Comment